Chuyện huyền bí nơi thờ vị anh hùng không được ghi vào chính sử - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Chuyện huyền bí nơi thờ vị anh hùng không được ghi vào chính sử

Share This
Ảnh minh họa đền thờ Quan Lớn Trà Vong tại TP. Tây Ninh

YEUSUVIET.COM - Bất kỳ nơi nào tướng Huỳnh Công Giản từng dừng chân lập đồn đánh giặc đều được người dân Tây Ninh lập đền thờ, gọi với tên chung là Quan lớn Trà Vong. Dù tên tuổi và công trạng của ông không được sử sách nhà Nguyễn ghi lại, nhưng nhân dân lại suy tôn ông như một vị thần, với những câu chuyện ly kỳ được đồn thổi không dứt.
Bài liên quan

Mỏm đất thiêng

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến vùng đất biên giới Tân Biên (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), quanh năm nắng gió để tận mắt chứng kiến mỏm đất mà bất kỳ một ai đến đây đều muốn một lần được chạm tay vào. Họ hy vọng khi chạm tay vào mỏm đấy ấy thì mọi lời cầu nguyện của mình đều sẽ trở thành sự thật.

Đi hết con đường đất đỏ bụi mù chạy dọc theo dòng kênh, rẽ trái, băng qua một cây cầu là thấy đền thờ Quan lớn Trà Vong ngay trước mặt, thuộc ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Nằm trên một gò đất cao ráo, cách xa khu dân cư, được che mát quanh năm dưới tán cây cổ thụ, ngôi mộ ông Huỳnh Công Giản được xây cất khá vững chắc và bề thế. Dù không phải ngày rằm hay đầu tháng, ngôi đền vẫn đông khách thập phương tới thắp hương cầu nguyện. Anh Nguyễn Hùng, một người dân địa phương cho biết: "Ngôi mộ xưa chỉ được đắp bằng đất, bia mộ bằng đá, nằm giữa cánh đồng mênh mông. Từ năm 1997, nhân dân quanh vùng gom góp xây cất lại nên mới thành ngôi đền như ngày hôm nay. Cảnh vật bây giờ cũng đông đúc, trù phú chứ không hoang vắng như xưa".

Vào đền, chúng tôi nhìn quanh kiếm tìm mỏm đất như lời giới thiệu của người bạn, nhưng tuyệt nhiên không thấy mỏm đất nào. Hỏi thăm thì được mọi người chỉ về phía ngôi mộ. Khác xa với sự tưởng tượng của chúng tôi, thì ra mỏm đấy ấy nằm ngay trên ngôi mộ, sau lớp kính bảo vệ quanh mộ ông. Thoạt nhìn, nếu ai không biết chỉ nghĩ đó là tấm bia chí bằng đá, chứ không thể nghĩ đó là một mỏm đất trồi lên. Bà Phạm Thị Phụng, một người khách tới viếng đền chạm tay vào lớp kính nói: "Ngày trước chưa có lớp kính bảo vệ này, mỗi lần tới đây tôi vẫn thường sờ tay vào mỏm đất cầu xin sức khỏe, gia đình bình an. Nghe nói đây là tổ mối đùn từ dưới mộ lên. Có điều nó chỉ đùn vào ban đêm, và đúng 5 năm khi có được hình thù như bây giờ thì thôi không đùn nữa. Người ta nói rằng nếu đứng cách khoảng 10 bước chân, từ phía sau ngôi mộ, chếch sang bên trái nhìn lại sẽ thấy mỏm đất giống như hình một khuôn mặt người đang hướng về phía Bắc".

Còn đang băn khoăn trước lời tiết lộ của bà Phụng, thì chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Liễm (80 tuổi), trưởng ban Quản lý đền. Theo ông Liễm, Quan lớn Trà Vong tên thật là Huỳnh Công Giản (SN 1722), quê ở Đàng ngoài (tính từ Quảng Trị ra Bắc - PV). Năm 1749, ông cùng với hai người em trai là Huỳnh Công Nghệ, Huỳnh Công Thắng được triều đình Huế phái đến Tây Ninh lãnh đạo nhân dân đánh giặc. Lúc bấy giờ, nước Chân Lạp loạn lạc triền miên, vua quan phải bỏ kinh đi lánh nạn, bọn thổ phỉ hoành hành, chém giết dân bản xứ, vượt biên giới sang nước Việt quấy nhiễu.

Trước tình hình đó, anh hùng tứ xứ nước Việt không hẹn mà kéo về Tây Ninh trợ chiến. Trong số những anh hùng này, có năm vị tiền bối người Đàng ngoài, dân chúng gọi là Ngũ hổ tướng quân, trong đó có ba anh em Huỳnh Công Giản. Thuở nhỏ, Huỳnh Công Giản học chữ Nho, giỏi thơ phú. Năm 17 tuổi, sau lần ứng khẩu hai câu thơ: "Chí làm trai, sanh làm tướng, chết làm thần/Cuộc đời thành bại bởi do trời", ông bỏ học chữ Nho, đi tầm sư học võ.

Suốt ba thập niên ở Tây Ninh, ba anh em ông chia ra mỗi người một khu vực, riêng ông Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong, xây thành lập ấp, bảo vệ biên cương, quanh năm đánh nhau với quân Miên. Năm 1782, sau một trận chiến giáp lá cà vô cùng ác liệt, khi quân tiếp viện của Huỳnh Công Nghệ chưa tới kịp, sau nhiều lần tả xung hữu đột giữa vòng vây, tướng Huỳnh Công Giản đã quay gươm tuẫn tiết chứ không để rơi vào tay giặc. Khi Huỳnh Công Nghệ tới, ông vây thành đánh một trận rửa hờn cho anh trai và những binh sĩ đã hy sinh, quân Miên phải mở đường máu chạy qua biên giới và từ đó không dám sang xâm lăng nữa. Sau đó, Huỳnh Công Nghệ chôn cất Huỳnh Công Giản ngay tại khu vực đồn Trà Vong, cách bờ thành cũ khoảng 2km về hướng Bắc. Mặt ngôi mộ hướng ra suối Trà Vong.

Chúng tôi hỏi về mỏm đất thiêng phía trên lăng mộ, ông Nguyễn Văn Liễm cho biết: "Đó đúng là do một tổ mối đùn lên mà thành mỏm đất như vậy. Vì người dân ở đây rất biết ơn và tôn thờ Quan lớn, nên truyền nhau nhiều huyền thoại về ông. Mỏm đất mối đùn này cũng không là một ngoại lệ. Trước đây lăng mộ không có tấm kính bảo vệ này đâu, nhưng do ai đến cũng sờ vào đến mòn cả đi, rồi giẫm cả lên mộ phần, nên ban quản lý lăng mộ chúng tôi làm tấm kính này để mọi người không tùy tiện sờ lên mỏm đất nữa".



"Sự trỗi dậy" của ngôi mộ cổ bị bỏ quên 200 năm

Theo ông Nguyễn Văn Liễm, trước khi có ngôi đền như ngày nay, mộ ông Huỳnh Công Giản đã có trên 200 năm bị bỏ quên, không ai biết đến. Khi đó, người dân chỉ biết đó là gò mộ bỏ hoang của người đời trước còn lại, nằm dưới gốc cây trầm cổ thụ, giữa cánh đồng ít người qua lại. Mãi đến năm 1997, ông Trần Văn Quơn, một người dân ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh) tinh thông lịch sử tìm đến, kết hợp với chính quyền và người dân địa phương tìm kiếm. Từ tấm bia đá bằng chữ Nho còn trên mộ mà xác định được đó là mộ của Quan lớn Huỳnh Công Giản. Ông Trần Văn Quơn (cựu trưởng ban Quản lý đền) cũng chính là người đã đi xin giấy phép, phát động người dân hai huyện Hòa Thành và Tân Biên quyên góp, dựng lên lăng mộ Quan lớn Trà Vong bề thế như ngày nay.

Tuy nhiên, đây không phải là nơi duy nhất thờ Huỳnh Công Giản. Từ thị xã Tây Ninh, dọc theo trục quốc lộ 22B, lên đến ngã ba Vịnh (huyện Hòa Thành), Mõ Công, Trà Vong, Trại Bí (huyện Tân Biên) sang đến Cẩm Giang, Bến Cầu (huyện Gò Dầu), người dân lập nên một hệ thống đền, miếu thờ những vị anh hùng đã có công đánh giặc, mang lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Trong đó, đền, miếu thờ Quan lớn Trà Vong là nhiều nhất.

Cạnh bên bờ Suối Vàng, thuộc khu lòng chảo sát chân núi Bà Đen có một ngôi đền thờ Huỳnh Công Giản, khói hương nghi ngút không bao giờ dứt. Tương truyền đó là nơi luyện tập binh mã ngày xưa của quan lớn Trà Vong. Tới giờ, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện nhuốm màu huyền bí rằng vào những năm xa xưa, cứ lâu lâu người ta lại thấy xuất hiện giữa đêm trăng thanh vắng, một đạo quân kỳ bí, gươm sáng chói lòa, người ngựa phóng như bay, dẫn đầu là một vị tướng mặc áo bào đỏ, oai phong lẫm liệt. Đạo binh xuất hiện như chớp rồi cũng nhanh chóng mất hút vào bóng đêm của núi rừng.

Các vị bô lão quanh vùng đồn rằng, đó chính là "đạo binh ma" của vị tướng Huỳnh Công Giản, trong lúc sa cơ đã tuẫn tiết mà chết. Và hào khí của vị tướng anh hùng và đạo binh trung thành kia, hồn vẫn còn quyện mãi cùng non sông đất nước. Tuy nhiên, cũng theo ông  Liễm thì đó chỉ là những lời đồn vô căn cứ của người xưa truyền lại. Chỉ có điều, công trạng khai quốc công thần của Huỳnh Công Giản với vùng đất Tây Ninh là có thật, và tấm lòng kính phục, biết ơn của người dân Tây Ninh với ông vẫn đang hiện hữu. Dù lịch sử nhà Nguyễn không ghi chép lại, nhưng nhân dân đã thiên hóa ngài như một vị thần. Để đến hôm nay, ngày giỗ Quan lớn Trà Vong trở thành một lễ hội dân gian đặc sắc của riêng vùng đất biên giới Tây Ninh này.
                        
Đi tìm ấn thần vua ban của Quan lớn Trà Vong

Do tài liệu lịch sử về tướng Huỳnh Công Giản khá mơ hồ vì chủ yếu dựa vào lời kể truyền miệng của người dân, nên năm 2009 ông Nguyễn Văn Liễm đã liên hệ trực tiếp ra Trung tâm Bảo tàng Cố đô Huế. Tại đây, Bảo tàng đã tìm lại được sắc ấn vua ban cho tướng Huỳnh Công Giản, và cho phục chế lại theo nguyên mẫu gửi cho Ban quản lý lăng mộ tại Tây Ninh. Mỗi năm tới ngày lễ chính, các đền thờ ở nơi khác đều tới Trà Vong làm lễ khai ấn thỉnh về.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (370) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (162) su-viet-hom-nay (101) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (77) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (28) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)