Thượng hoàng Trần Nghệ Tông - Anh hùng và Tội nhân. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông - Anh hùng và Tội nhân.

Share This
yêu sử việt, lịch sử việt nam, trần nghệ tông, hồ quý ly

YEUSUVIET.COM - Sự phóng đại quá mức đối với một nhân vật hay sự kiện từng diễn ra trong lịch sử vẫn hay gặp thấy trong cách viết về Sử Việt. Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam cũng như bất kỳ một lịch sử quốc gia nào khác, luôn có sự đan xen, tiếp nối, lý giải, khơi nguồn lẫn nhau giữa những sự kiện và nhân vật khác nhau. Mặc dù vậy, mỗi nhân vật Sử Việt có một ý nghĩa hay vai trò lịch sử nhất định trong một thời kỳ nhất định, mà từng hành động và suy nghĩ của họ sẽ ảnh hưởng đến kết cục của không chỉ triều đại, chế độ hay Dòng họ lãnh đạo mà còn là cả vận mệnh của Nhân dân và Tổ quốc. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông Trần Phủ là một nhân vật như thế. Rõ ràng hơn, Ngài là một nhân vật Sử Việt bao gồm cả hai hình ảnh: Anh hùng và Tội nhân.
Bài liên quan

Anh hùng trung hưng

Nhà Trần là triều đại phong kiến Việt Nam đã tạo nên tiếng vang lớn nhất, mạnh mẽ nhất và hùng mạnh nhất, bằng sự kiện ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông. Chiến tích đánh tan Nguyên - Mông, giữ yên lãnh thổ trời Nam, trong khi Nhà Tống phía Bắc đi đến chỗ diệt vong lại càng làm cho hào quang đại thắng Nguyên - Mông của Nhà Trần thêm phần lấp lánh, sáng ngời hơn nữa. Tuy vậy, như một nghịch lý chung cho các triều đại lãnh đạo trong lịch sử Việt Nam: khởi đầu triều đại trong huy hoàng và kết thúc triều đại trong bi kịch, Nhà Trần uy hùng vẫn không tránh khỏi vết xe đổ đó.

Triều đại thịnh trị cuối cùng của Nhà Trần là triều hoàng đế Trần Minh Tông. Ngài tên thật là Trần Mạnh, đã tiếp nối vua cha Trần Anh Tông và các triều vua trước, tiếp tục xây dựng một quốc gia Đại Việt an bình, thịnh trị, hùng cường trong 43 năm trên cương vị Hoàng đế và Thái thượng hoàng. Sau khi Minh Tông mất năm 1357, các triều vua Hiến Tông, Dụ Tông bắt đầu đi xuống và đỉnh điểm khi vua Trần Dụ Tông không lo chính sự, không có con nối dõi khiến cho Dương Nhật Lễ được nối ngôi Nhà Trần trong khi là người khác họ. Khi Dụ Tông mất, triều đình chia làm hai phe, một bên ủng hộ Nhật Lễ - lúc này chưa ai biết là người họ Dương, một bên ủng hộ Trần Phủ - con của Minh Tông và là em của Dụ Tông. Cuối cùng Nhật Lễ lên ngôi, muốn lấy lại họ Dương rồi giết đi những tôn thất Nhà Trần chống đối. Nhà Trần đến sát bờ vực diệt vong.

Trần Phủ lúc đó là Cung Định đại vương, nắm giữ chức Thái sư của triều đình Đại Việt - nhưng bản chất lại là người không ham mê quyền lực, chỉ chuyên tâm giữ vững, làm tròn trọng trách của mình. Khi Nhật Lễ chiếm ngôi, muốn đưa họ Dương lên nắm quyền và tàn sát tôn thất họ Trần, Trần Phủ đưa binh lính lẩn trốn sang trấn Đà Giang và lúc này, các tôn thất họ Trần đa phần đều chọn cách trốn khỏi Thăng Long. Lúc bấy giờ, Thiên Ninh công chúa - người trước đây cùng mẹ là Hiến Từ thái hậu đã đưa Nhật Lễ lên ngôi vua, sau khi có hai người con chết thảm dưới tay Nhật Lễ trong cuộc đảo chính bất thành, đã mang quân lực đến Đà Giang gặp Trần Phủ nhằm muốn Ông đứng ra khôi phục cơ nghiệp Nhà Trần.

Chính trong tình thế này, cuộc chiến của hai dòng họ Trần - Dương lại ảnh hưởng đến sự hưng vong của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nhưng Cung Định vương Trần Phủ vì bản tính là người không ham mê quyền lực, đã nhiều lần thoái thác không muốn nắm lấy ngọn cờ "Trung hưng Nhà Trần". Nhưng sau cùng, bằng sự phò tá của Lê Qúy Ly, sự ủng hộ, hội binh của các tôn thất họ Trần và đặc biệt là Thiên Ninh công chúa, Trần Phủ nắm lấy ngọn cờ Trung hưng vào năm 1370, tiến quân về Thăng Long và nhanh chóng dẹp yên được Dương Nhật Lễ.

Trong hoàn cảnh lúc đó, Nhà Trần đã trải qua hai triều vua Hiến Tông và Dụ Tông với chính sự đổ nát, lòng người ly tán, nhân dân lầm than, giặc cướp nổi lên khắp nơi rồi đến đỉnh điểm là Dương Nhật Lễ lên ngôi của họ Trần, giết hại người họ Trần lại càng cho xã hội Đại Việt lâm vào cảnh rối ren trầm trọng hơn nữa. Có thể thấy rõ rằng, vai trò lãnh đạo của Nhà Trần đã cực kỳ suy yếu, sự đoàn kết quốc gia đã không còn mà sự chia rẽ trong chính hàng ngũ lãnh đạo thì ngày càng một sâu rộng hơn. Mặc dầu vậy, một nhân vật như Cung Định vương Trần Phủ lại được lịch sử lựa chọn, có lẽ cũng là một bước ngoặt của Nhà Trần. Ngài đã làm rất tròn vai một người Trung Hưng dòng họ Trần, thống nhất sự đoàn kết trong hàng ngũ lãnh đạo, nhưng lại không thể làm tròn vai trò của một vị hoàng đế Đại Việt sau khi lên ngôi hay khi ở cương vị Thái thượng hoàng. Chính Ngài, là điểm khởi đầu cho hy vọng chấn hưng Nhà Trần, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho sự chấm dứt của triều đại Nhà Trần.

yêu sử việt, lịch sử việt nam, trần nghệ tông, hồ quý ly
Trần Nghệ Tông. Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng
Tội nhân mất cơ nghiệp

Tháng 11 năm 1370, sau khi dẹp yên Dương Nhật Lễ, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, Sử Việt gọi là Trần Nghệ Tông. Đến tháng 11 năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho em - tức vua Tần Duệ Tông, còn mình làm Thái thượng hoàng.

Phải nói rằng, ánh hào quang của người anh hùng "Trung hưng Nhà Trần" không thể che lấp được những năm tháng dưới sự cai trị của mình, Trần Nghệ Tông đã không thế chế ngự được Chiêm Thành, để đến nội vị vua sáng giá nhất của lịch sử Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đã từng mấy lần dẫn quân đốt phá kinh đô Thăng Long, khiến quan quân Nhà Trần mấy phen phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Nhưng cũng phải nói rằng, ở một khía cạnh khác, dường như lịch sử đã không ủng hộ Trần Nghệ Tông. Vì người tiếp nối ngôi vua của Ngài - Trần Duệ Tông, là một vị vua Trần anh dũng và hết lòng vì đất nước nhưng lại không có được sự phục vụ mạnh mẽ của những bầy tôi thật sự có tài năng. Chính những kẻ bầy tôi thừa lươn lẹo, xảo quyệt nhưng lại thiếu tài năng, đức độ như Lê Qúy Ly, Đỗ Tử Bình, Phạm Cự Luận... đã khiến Trần Duệ Tông chết trận khi đánh Chiêm Thành vào năm 1377. Cái chết đó cũng làm tiêu tan niềm hy vọng của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về một vị vua trận có thể bổ trợ cho sức còn kém của mình...

Nhưng cũng phải đau đớn thừa nhận rằng, chính việc không sáng suốt nhìn thấy rõ tâm can và khả năng của những kẻ bầy tôi theo mình, đã khiến Trần Nghệ Tông dần đưa Nhà Trần đi vào con đường diệt vong.

Đổ Tử Bình nhiều lần mang quân đánh Chiêm Thành bại trận, thậm chí lấy trộm 10 mâm vàng do Chế Bồng Nga dâng lên nhằm xin thần phục, để dẫn đến quân Chiêm Thành có cớ đánh đến kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Thậm chí khi đi theo Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành năm 1377, Đỗ Tử Bình không những không đi tiên phong trước vua, mà đến khi nghe tin vua bị quân Chiêm vây hãm cũng không mang quân đến cứu, sau đó trốn về. Người trong nước khi thấy Đỗ Tử Bình tự mình đóng củi giải về kinh đô, đã lăng mạ hết sức mà đến cuối cùng Trần Nghệ Tông chỉ tha tội chết, dần dần cho phục chức cũ mấy năm sau...

Còn riêng Lê Qúy Ly thì lại càng... miễn bàn. Nhưng cũng phải nói. Độc nhất vô nhị trong Sử Việt, khi một hoàng đế lại tin dùng quá mức đến mức u muội một đại thần, trong khi kẻ này không phải hoạn quan hay mỹ nữ trong cung cấm, đến nỗi giết con, giết cháu, giết hại công thần, một điều chưa từng thấy trong Sử Việt. Lê Qúy Ly có công cùng Trần Nghệ Tông dẹp Dương Nhật Lễ khôi phục Nhà Trần, nhưng cuối cùng lại không phải một đại tướng dẹp loạn của thời đại lúc bấy giờ. Lê Qúy Ly ngày càng đi đến các chức vụ cao cấp trong triều, hầu hết đều dựa vào việc có Trần Nghệ Tông nghe theo lời tâu bày của mình. Đến khi Nghệ Tông sắp mất, ngoảnh nhìn lại thì mọi chuyện đã rõ ràng. Quyền lực của Qúy Ly ngày càng lớn, tôn thất họ Trần chẳng còn ai để ký thác và chính Ngài, dường như cũng hiểu điều gì sẽ phải đến, đó là sự diệt vong của Nhà Trần. Đại Việt Sử ký toàn thư đã chép lại như sau:
Tháng 3, thượng hoàng chiêm bao thấy Duệ Tông đem quân đến và đọc bài thơ rằng:
"Quãng này chỉ có hầu mõm đỏ,
Lăm le ngầm lên lầu gà trắng,
Khẩu vương đã định việc còn mất,
Chẳng ở trước mà ở về sau."
Thượng hoàng tự chiết tự đoán là: "xích chủy - mõm đỏ" tức là Qúy Ly, "bạch kê - gà trắng" tức là thượng hoàng, vì thượng hoàng tuổi Tân Dậu, "khẩu vương" là chữ quốc; việc nước còn hay mất về sau sẽ thấy. Thượng hoàng lấy làm nghĩ lắm, nhưng thế không thể làm được nữa.
Đến đây, cuối cùng đã thấy rõ bi kịch của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Từ người anh hùng có công lốn nhất Trung hưng Nhà Trần, Ngài lại trở thành tội nhân lớn nhất khiến Nhà Trần diệt vong...!

>>> Núi Chí Linh, Thanh Hóa - Ngọn núi thiêng Lam Sơn
>>> Hoàng đế Tự Đức - Người minh quân sinh lầm thời đại
>>> Cuộc nội chiến đầu tiên của người Việt

yêu sử việt, lịch sử việt nam, trần nghệ tông, hồ quý ly
Hồ Qúy Ly. Ảnh: Việt Sử Kiêu Hùng

Đau đớn bài học xử việc nhà, trị việc nước

Haizzz... thật lòng mà nói, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông là một nhân vật Sử Việt đáng thương hơn đáng trách và phần đáng thương của Ngài, trong suốt cuộc đời Ngài thì hơn hẳn những điều đáng trách mà Ngài đã làm.

Trong phim hoạt ảnh "Huyết mạch Trần gia" của Việt Sử Kiêu Hùng, có lẽ đã khắc họa rõ nét phần Anh hùng phục hưng Nhà Trần của Trần Nghệ Tông. Ngài đang đứng vào vị thế của một trung thần có tài văn võ và chỉ muốn đứng ở vị trí của một bề tôi làm trụ cột chống vững cho Nhà Trần mà thôi, nên khi các hoàng tộc muốn Ngài đứng vào vị trí của một hoàng đế, có lẽ đã quá sức của Ngài. Lại thêm lúc đó, Lê Qúy Ly là người cùng Ngài khôi phục cơ nghiệp Nhà Trần, lại là anh em con cô chú, tất nhiên ngay từ lúc đầu mưu chí dựng nghiệp lớn, Ngài đã đặt niềm tin vào Qúy Ly và xem ông là trung thần của mình. Chỉ đáng tiếc, niềm tin đó quá lớn, lớn đến nỗi thành mê muội mà không kịp nhìn ra chính Ngài đã mở đường cho tham vọng lật đổ triều đại của Lê Qúy Ly nảy nở rồi mỗi ngày một lớn thêm.

Như thế, trong cuộc nội loạn, Trần Nghệ Tông đã dẹp yên những cuộc bạo loạn tranh giành quyền lực quốc gia, đã đưa Nhà Trần trở lại vị thế của đỉnh cao quyền lực Đại Việt. Nhưng Ngài lại không đủ khả năng để xây dựng một Đại Việt đủ sức kháng cự với Chiêm Thành ở phía Nam và củng cố tiềm lực quốc gia trước dã tâm thôn tính của giặc phương Bắc. Sử ký toàn thư đã ghi lại những sự kiện như mượn tăng nhân, mượn các giống cây trồng, mượn đường, nhờ cung cấp binh lực, lương thảo để đánh Chiêm Thành của Nhà Minh... để sớm nói lên dã tâm xâm lược Đại Việt của người Hán đã trở lại. Đáng tiếc, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã không có những việc làm đủ sức mạnh làm "nắm đấm" đối ngoại với Nhà MinhChiêm Thành. Cộng với việc quá tin dùng Lê Qúy Ly, gián tiếp dọn đường cho Qúy Ly bằng cách giết hại các tôi trung của họ Trần, đã khiến cho Nghệ Tông phải đau đớn mà trở thành... tội nhân chính làm mất cơ nghiệp của Nhà Trần.

Sử Việt là thế và lịch sử là thế, là sự đan xen giữa uy hùng và bi kịch, giữa anh hùng và tội nhân. Nhà Trần có lẽ là triều đại duy nhất trong Sử Việt đã có khởi đầu và kết thúc gần giống nhau đến như vậy. Nhà Trần đã khởi đầu bằng một Thái sư Trần Thủ Độ vừa là Tội nhân của Nhà Lý nhưng cũng là Khai quốc công thần của Nhà Trần. Rồi Nhà Trần cũng kết thúc bằng một Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông có công trung hưng Nhà Trần trong cơn mạt nghiệp, nhưng cũng là tội nhân làm mất đi hoàn toàn cơ nghiệp của Nhà Trần oai hùng.

Con cháu đời sau nhìn lại những tấm gương tiền nhân ngày trước như vua Trần Nghệ Tông không phải để phán xét, không phải nguyền rủa nhưng để nhìn vào những tấm bi kịch mà biết mình phải làm gì, phải biết rút ra bài học chua xót như thế nào. Rằng thời đại nào sẽ có yêu cầu của thời đại đó, nếu không biết sáng suốt để tìm lối đi cho phù hợp thì sớm muộn cũng đưa triều đại lãnh đạo đi đến chỗ diệt vong. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng, những lời khuyên răn dựa trên lợi ích duy nhất và sống còn của Nhân dân chính là chân lý không bao giờ sai lầm cho sự hưng vong của một triều đại. Nhà Trần đã lãnh đạo dân tộc vượt qua ba cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên mông là nhờ có Nhân dân đồng tâm, hợp sức và Nhà Trần đã không thể giữ được cơ nghiệp của mình khi không còn đặt quyền lợi của Nhân dân trên quyền lợi của Dòng họ lãnh đạo đất nước.

Vậy nên bất cứ một triều đại lãnh đạo nào xa rời quyền lợi của Nhân dân, triều đại đó sớm muộn sẽ diệt vong, chính là sự tất yếu không thể thay đổi của lịch sử. Đó chính là bài học mà những nhân vật đáng thương như Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã để lại cho chúng ta.

Lê Bình Ngô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (357) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (154) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (71) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (48) chong-phap (46) nha-hau-le (44) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (25) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) le-dai-hanh (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) khoi-nghia-lam-son (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) hung-vuong (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) le-thai-to (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) hùng vương (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)