Trần Thủ Độ - Gian hùng triều Lý, Khai quốc triều Trần. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Trần Thủ Độ - Gian hùng triều Lý, Khai quốc triều Trần.

Share This
lịch sử việt nam, yêu sử việt, nhà trần, nhà lý, trần thủ độ, lý huệ tông

YEUSUVIET.COM - Trong dòng chảy suốt hơn mấy ngàn năm qua của lịch sử Việt Nam, có những câu chuyện, nhân vật Sử Việt mà nếu người thời sau nhìn vào họ sẽ thấy được, học được rất nhiều bài học đáng nhớ. Những bài học đó không bao giờ cũ, mà trái lại, chúng luôn sống mãi trong dòng chảy lịch sử Việt Nam khi một triều đại bắt đầu đến thời kỳ diệt vong. Sự diệt vong của một triều đại phong kiến luôn bắt nguồn từ chính sự tha hóa của Dòng Họ đang lãnh đạo đất nước và sự xuất hiện của một Người, một Dòng Họ mới đủ sức - chưa hẳn gọi là đức, để đưa quốc gia, dân tộc thoát khỏi thời kỳ bần cùng để tiến vào một thời đại mới. Nhân vật lịch sử đại diện cho thời kỳ giao thoa đó luôn mang hai mặt trái ngược nhau: một là kẻ gian thần cướp ngôi vua của triều cũ và hai là đại khai quốc công thần của triều đại mới. Thái sư Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử như thế.

Bài liên quan

Từ một triều Nhà Lý hùng mạnh...

Triều đại Nhà Lý là một triều đại có ý nghĩa quan trọng bậc nhất từ sau sự kiện chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền. Vì sau chiến thắng bất tử trên sông Bạch Đằng đó, một thời đại độc lập, tự chủ của người Việt được khôi phục và cả dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ, đồng hóa Bắc thuộc mà bắt đầu cuộc trường chinh đưa dân tộc Việt Nam hiên ngang tiến vào lịch sử thế giới với tư cách một Dân tộc, một Quốc gia tự chủ và độc lập. Nói thì dễ, nghe thì vui tai, nghĩ thì tự hào nhưng thực tế... thì chẳng hề đơn giản như đang giỡn như thế đâu.

Từ năm 938 cho đến năm 1009, là hơn 72 năm lịch sử Việt Nam buổi đầu tự chủ đầy biến loạn với 3 Dòng Họ nối tiếp nhau trị vị vùng đất phía Nam vừa tạm thoát khỏi sự đô hộ phương Bắc, là Họ Ngô - Họ ĐinhHọ Lê. Cả ba dòng Họ ấy, bất chấp những chiến công huy hoàng trong việc dẹp yên nội loạn hay đánh tan giặc Tống xâm lược, thì triều đại của Họ đều không kéo dài quá 2 đời vua hoặc vương. Điều đó để nói lên rằng, trong hoàn cảnh đó, trong thời kỳ đó và trong chính thời điểm đó, nước Nam vẫn như một sợi chỉ mành treo chuông, vẫn chưa thật sự bước đi vững vàng trên đôi chân Độc lập - Tự chủ của mình mà trái lại, bóng ma Bắc thuộc Trung Hoa vẫn luôn rất rõ ràng trên đầu Dân tộc, khi Nhà Tống đã dần dần ổn định và hưng mạnh. Trong hoàn cảnh đó, Nhà Lý xuất hiện.

Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1009 và qua đời năm 1028. Lý Thái Tông lên nối ngôi và ngay lập tức Loạn Tam Vương xuất hiện, đưa vận mệnh dân tộc đến gần với bóng ma nội chiến và Bắc thuộc... Và công lao của Nhà Lý chính thức được khẳng định vào lúc này, thời kỳ Độc lập và Tự chủ của dân tộc chính thức vững vàng, vĩnh viễn và trường tồn ngay từ đây. Đó là khi có sự xuất hiện đồng thời của một đấng minh quân trị nước là Lý Thái Tông và những bầy tôi trung tài năng, đức độ như Lê Phụng Hiểu. Loạn Tam Vương được dẹp yên, triều đại Nhà Lý tiếp tục kéo dài và tồn tại đến 216 năm, đưa Dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua cuộc chiến tranh chống Nhà Tống xâm lược, chấm dứt vĩnh viễn giấc mơ đồng hóa người Việt của người Hán.

lịch sử việt nam, yêu sử việt, nhà trần, nhà lý, trần thủ độ, lý huệ tông


Nhà Lý tồn tại 216 năm, tức là sự tồn tại của một vương triều lãnh đạo đất nước đã có giới hạn. Năm 1175, Lý Cao Tông lên ngôi hoàng đế với sự phò tá của vị đại thần tài năng cuối cùng của Nhà Lý - Tô Hiến Thành. Năm 1179, Tô Hiến Thành qua đời, Lý Cao Tông ngày đêm du ngoạn, chơi bời, hưởng lạc, xây dựng khắp nơi, tăng thuế bắt dân ép đóng vô tội vạ... lòng dân oán hận, nhân dân nổi loạn khắp nơi và sự cáo chung của triều đại Nhà Lý oai hùng được báo trước từ đây. Khi trong thời mạt của một chế độ phong kiến, là sự xuất hiện việc mua bán quan chức và bỏ tiền để thoát khỏi ngục tù không còn kiềm hãm được, sự phong quan tước bừa bãi dựa vào mối quan hệ mà không dựa vào tài năng, phẩm đức thì sự kết thúc triều đại đã chính thức bắt đầu, vấn đề chỉ là thời gian khi nào sẽ xảy ra. Và lịch sử đã không chọn Lý Cao Tông là điểm khởi đầu chính thức cho sự diệt vong của Nhà Lý mà là nơi Lý Huệ Tông - vị vua nối ngôi, khi còn là thái tử phải chạy nạn về Lưu Gia (Thái Bình ngày nay). Sự việc vì say mê sắc đẹp của Trần Thị Dung mà quyết lấy làm vợ rồi phong tước cho họ Trần, chính là bước mở đường cho người "thanh mai trúc mã" của Trần Thị Dung bước vào con đường kiến lập triều Trần về sau. Người thanh mai trúc mã đó, chính là Trần Thủ Độ.

Phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ".

... Đến kẻ gian thần mang họ Trần.

"Lịch sử phụ thuộc những góc nhìn", vì vậy, góc nhìn "gian thần" đối với họ Trần ở đây là từ góc nhìn của những người Họ Lý hay những người trung thành với dòng dõi của Lý Thái Tổ. Những nhân vật đầu tiên của họ Trần bước vào con đường kiến nghiệp Triều Trần là Trần Lý - cha của Trần Thị Dung, Trần Tự Khánh và Tô Trung Từ. Trần Lý chết sớm trong một cuộc dẹp giăc theo lệnh của Lý Huệ Tông. Trần Tự Khánh là nhân vật họ Trần đầu tiên nắm quyền lực quân sự của Nhà Lý, đến 3 lần đưa quân đến đón Lý Huệ Tông về kinh đô, cả 3 lần đều khiến vua quan Nhà Lý ngờ vực mà bỏ chạy đi nơi khác. Đến sau khi Lý Huệ Tông không còn biết tin dùng ai, đành theo Trần Tự Khánh và tồn tại nhờ sức mạnh của họ Trần thì chuyện Nhà Lý diệt vong đã quá rõ ràng. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết và lịch sử Họ Trần chính thức vào tay của nhân vật mang tên Trần Thủ Độ. Năm 1224, Trần Thủ Độ chính thức bước lên vũ đài chính trị Đại Việt với trọng trách:
Chỉ huy sứ lãnh các quân điện tiền mà hộ vệ cấm đình - Đại Việt Sử ký toàn thư
Về thân thế của "kẻ gian thần họ Trần" - Trần Thủ Độ ấy, có lẽ ít người biết về sự việc sinh ra và lớn lên của vị khai quốc công thần Nhà Trần.

Cha của Trần Thủ Độ là Trần Thủ Huy - huynh đệ kết nghĩa với Đông cung thái tử Lý Long Xưởng của Nhà Lý. Sau đó, Trần Thủ Huy có công đánh dẹp giặc loạn trong thời Nhà Lý nên được phong tước, sau đó vì dèm pha của gian thần mà phải đi sứ phương xa tận nước Kim, nước Liêu (tức vùng thảo nguyên Mông Cổ). Trên đường đi sứ, vợ của Thủ Huy là công chúa Đoan Nghi trở dạ, sinh được một bé trai tại một bến đò. Trần Thủ Huy đặt tên cho con trẻ là Trần Thủ Độ - "Độ" nghĩa là bến đò. Về sau, khi Nhà Lý triệu Trần Thủ Huy về Đại Việt, nhưng vì bất mãn vì Nhà Lý bội bạc với mình nên nhất quyết không về. Công chúa Đoan Nghi cùng Thủ Độ về nước, nhưng chẳng may công chúa qua đời trên đường về, Thủ Độ về sống cùng bác là Trần Lý và đem lòng yêu Trần Thị Dung.

Năm 1225, Trần Thủ Độ sắp xếp cuộc hôn nhân giữa nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng với cháu mình là Trần Cảnh, cuối cùng Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, Họ Lý nhường ngôi hoàng đế Đại Việt cho Họ Trần. Trần Thủ Độ được phong làm Quốc thượng phụ - thực chất nắm tất cả quyền hành triều chính. Thủ Độ sắp xếp để Trần Thừa làm nhiếp chính thay cho con là Trần Cảnh mới 8 tuổi còn quá nhỏ, họ Trần nắm hết quyền hành.

lịch sử việt nam, yêu sử việt, nhà trần, nhà lý, trần thủ độ, lý huệ tông


Trần Thủ Độ nắm quyền triều chính Đại Việt khi thực chất tình thế Đại Việt chưa được yên ổn, thiên hạ còn loạn lạc, nhân dân còn lầm than do tàn tích diệt vọng của Nhà Lý để lại, như thế chứng tỏ rằng: vai trò lãnh đạo của Nhà Lý đã không còn, nếu còn tồn tại chỉ là hư danh và không đủ sức đánh dẹp các cuộc bạo loạn để thống nhất quốc gia, bảo vệ đời sống nhân dân. Do đó, khi quyền lực vào tay Họ Trần, Trần Thủ Độ bắt đầu dẹp yên các cuộc bạo loạn của Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng từ thời Nhà Lý, đến năm 1229 thì dẹp xong hai thế lực phong kiến này. Đi xa hơn nữa, Trần Thủ Độ lập kế... dẹp luôn tận gốc Nhà Lý.

Năm 1226, Lý Huệ Tông - cựu hoàng Nhà Lý, đã bị cho về tu ở chùa Chân Giáo nhằm để dễ bề chế ngự, theo dõi nhưng mỗi lần ra ngoài thành, đều có rất đông người đến thương khóc vua của triều cũ, Trần Thủ Độ lo sợ lòng dân. Một lần khi Huệ Tông đang nhổ cỏ trong sân chùa Chân Giáo, Thủ Độ đến và nói:
Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.
Huệ Tông biết Thủ Độ có ý nói mình phải làm gì. Mấy ngày sau, người của Thủ Độ tới bày biện hương hoa cho Lý Huệ Tông, vua Lý cũ biết đã đến lúc bèn tự mình đi vào phòng ngủ, rồi khấn rằng:
Thiên hạ của nhà ta đã về nhà mày rồi, mày lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến ngày khác con cháu nhà mày cũng lại như thế.
Nói xong, Lý Huệ Tông thắt cổ chết, được 33 tuổi, Nhà Lý chính thức kết thúc. Sau đó, Thủ Độ còn nhân dịp các tôn thất Nhà Lý tập họp ở Hoa Lâm làm lễ cúng các vua Lý, mà sai người ngầm đào hầm... giết hết tất cả. Dù là vậy, vẫn có con cháu dòng họ Nhà Lý trốn thoát khỏi cuộc tận diệt của Trần Thủ Độ và một trong số đó chính là hoàng tử Lý Long Tường - người đã trốn thoát sang Cao Ly và thành lập nên dòng họ Lý Hoa Sơn tại Cao Ly. Như vậy, đến đây, Trần Thủ Độ xem như đã hoàn tất vai trò "kẻ gian thần" đối với Nhà Lý, nhưng trên hết tất cả, đối với dân tộc Việt, Trần Thủ Độ lại là một Anh hùng.

Và Người anh hùng chống Nguyên - Mông

Tuy là người chấm dứt sự tồn tại của triều Nhà Lý, nhưng với Nhà Trần và sự tồn vong của dân tộc, Trần Thủ Độ lại là người có công lao hơn cả. Khi tàn dư đổ nát và loạn lạc của Nhà Lý vẫn còn, Trần Thủ Độ một tay dẹp yên mà cho nhân dân được trở lại cuộc sống thái bình. Đến khi giặc Nguyên - Mông đã đánh lùi Nhà Tống của người Hán ở phương Bắc về đến tận Vân Nam, rồi dùng binh hùng tướng mạnh tràn sang xâm chiếm nước ta như nước vỡ bờ, lại cũng một tay Trần Thủ Độ giữ yên triều chính, gắn kết lòng quân mà cho nước nhà qua được cơn binh lửa.

Năm 1257, Ngột Lương Hợp Đài mang đại quân Nguyên - Mông vượt biên giới Đại Việt, nhanh chóng đánh chiếm Bình Lệ Nguyên, quân Trần tan vỡ, thua trận liên hồi. Vua Trần Thái Tông tự mình đánh trống thúc quân nhưng quân Trần vẫn yếu thế, khi giặc sắp tràn lên bắt vua đến nơi, may liền có tướng Lê Tần một mình đánh giặc, đánh liên trận mà không nao núng. Đến sau đó vua lui được lên thuyền để xuôi về Thiên Mạc, cũng Lê Tần hết sức chống đỡ thoát cùng thuyền ngự rời đi. Đến Thiên Mạc, quân Trần hội quân, mấy trận thua liên tiếp, sĩ khí đà chùn xuống thấy rõ. Vua hỏi đại thần Trần Nhật Hạo nên làm thế nào, Nhật Hạo sợ quá ngồi không vững, chỉ biết lấy tay chấm nước mà viết hai từ: Nhập Tống. Vua chán nản bỏ đi.

lịch sử việt nam, yêu sử việt, nhà trần, nhà lý, trần thủ độ, lý huệ tông



Đó là tình thế đất nước như chỉ mành treo chuông, ngàn cân treo sợi tóc, khi mà quân Nguyên chỉ mới sang đã liên tiếp đánh bại quan quân Đại Việt suốt cả mấy trận, đến nỗi đại quân triều đình phải ra cửa biển mà... bỏ trốn. Duy chỉ có lúc đó, Thái sư Trần Thủ Độ là nghĩ đừng lo lắng. Trần Thủ Độ trấn an vua bằng câu nói nổi tiếng trong Sử Việt về tinh thần và ý chí quyết đánh lui ngoại xâm:
Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả.
Đúng theo lời đó, ngày 24/12/1257 - tức chỉ 10 ngày sau khi vào Đại Việt, đại quân Mông Cổ bị đánh bại tại Đông Bộ Đầu, tìm đường rút chạy về Bắc. Thế là trong khi Nhà Tống thua trận dẫn đến mất nước gần hết, Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Họ Trần chỉ vừa qua khỏi thời kỳ rối ren, bạo loạn cũng đã đủ sức đánh cho đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ bỏ chạy về nước. Trong chiến công ấy, sự đóng góp và vai trò to lớn của một Thái sư trụ cột triều đình Nhà Trần là không thể bàn cãi. Và đó cũng là công lao to lớn nhất để Đại Việt có thể quên đi những bóng mờ sương khói của một triều đại Nhà Lý đã cũ, đã lùi xa và đón chờ người anh hùng đầu tiên mở ra thời kỳ Đông A - Trần Thủ Độ.

"Lịch sử phụ thuộc những góc nhìn"

Có thể, với Nhà Lý, Trần Thủ Độ là một gian thần chiếm đoạt ngôi vua, nhưng với Nhà Trần, Trần Thủ Độ là một khai quốc công thần và với Nhân dân Đại Việt, Trần Thủ Độ là anh hùng chống ngoại xâm.

Những câu chuyện xoay quanh Trần Thủ Độ có nhiều nhất là trong việc giữ yên phép tắc, quy định, pháp luật của Nhà nước. Như chuyện:

- Vợ của Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu xin cho một người cùng làng làm chức câu đương - một chức quan nhỏ giữ việc bắt bớ, giải tống phạm nhân, Trần Thủ Độ sau này gặp người đó, đại ý nói do nhờ Linh Từ quốc mẫu xin tước quan cho, không thể khác người thường nên sai chặt một ngón chân đi để làm dấu. Kẻ đó nghe sợ, không dám xin và cũng chẳng ai dám cầu cạnh Ông nữa.

- Đến khi Linh Từ quốc mẫu đi kiệu, vi phạm phép tắc cung Vua, có anh quân hiệu ngăn lại không cho đi. Linh Từ về khóc trách với Thủ Độ, Thủ Độ giận sai người bắt về. Người lính hiệu kể rõ đầu đuôi, Thủ Độ khen là người biết giữ phép tắc Nhà nước, không những không xử tội mà còn khen, ban cho vàng lụa.

- Vua Trần muốn lập anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng, Trần Thủ Độ khẳng khái nói:
An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho là thần hiền hơn An Quốc, thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao?
Tóm lại, Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử đã để lại nhiều bài học đáng giá cho con cháu đời sau suy ngẫm. Sự trung thành với triều đại là điểm khởi đầu của người làm quan, nhưng khi triều đại đó không còn đủ khả năng để giữ trọng trách quản lý và điều hành quốc gia thì đã đến lúc cần thay đổi triều đại mới. Sự ra đời của triều đại mới là tính tất yếu của lịch sử khi Nhân dân cần một con đường mới phù hợp với thời kỳ mới hơn và Trần Thủ Độ chính là người đã đại diện cho thời đại mới đó. Đánh giá một nhân vật lịch sử có sức ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Dòng Họ và vận mệnh dân tộc là điều không hề dễ dàng, nhưng trong một chừng mực khách quan nhất định, công lao đóng góp cho sự tồn vong của Tổ quốc và Dân tộc luôn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá một nhân vật lịch sử. Trần Thủ Độ đã làm điều tàn ác với Nhà Lý - nhưng là một Nhà Lý đã bạc nhược và thậm chí từng có ý cầu viện Nhà Tống dẫn quân sang Đại Việt, thì dù việc làm có đáng trách nhưng lại là một việc lịch sử phải ghi nhận.

Dấu ấn lớn lao trong việc ổn định Triều Trần trong thời kỳ tàn dư hỗn loạn của Nhà Lý của Trần Thủ Độ là không thể bàn cãi và cũng như dấu ấn trong việc lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là Mông Cổ, giữ yên bờ cõi quốc gia và cuộc sống hòa bình của Nhân dân cũng là điều không thể chối cãi. Trần Thủ Độ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một vị Anh hùng đại diện tiêu chí quyền lợi quốc gia phải được đặt lên trên hết tất cả. Đó là dấu ấn và vị trí không thể xóa mờ của Trần Thủ Độ trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (364) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (98) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (75) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (50) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)