YEUSUVIET.COM - Lê Quý Đôn (1726–1784), tên thuở nhỏ là Lê
Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường; là vị quan thời Lê trung hưng, cũng
là nhà thơ, và được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời
phong kiến".
Bài liên quan
Ở thế kỷ 18, các tri thức văn hóa, khoa học của
dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến
trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những
bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người
"tập đại hành" mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những
tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 của nước ta đều được bao quát vào trong các
tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của
cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.
Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ,
bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc.
Ba lần
đỗ đầu
Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn là người ham học, thông
minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là "thần đồng". Năm
lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông đã học
"khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử".
Năm Kỷ Mùi, ông theo cha lên học ở kinh đô
Thăng Long. Năm Quý Hợi (đời vua Lê Hiển Tông), ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải
nguyên) lúc 17 tuổi. Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ.
Bà là con gái thứ 7 của Lê Hữu Kiều, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718).
Tuy đỗ đầu kỳ thi Hương, nhưng thi Hội mấy lần,
ông đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm
(1743-1752). Sách Đại Việt thông sử (còn gọi là "Lê triều thông sử")
được ông làm trong giai đoạn này (Kỷ Tỵ, 1749).
Năm 26 tuổi (Nhâm Thân, 1752), ông lại dự thi
Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ
thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.
Đi sứ nhà Thanh
Năm Kỷ Mão (1759), vua Lê Ý Tông mất, triều
đình cử ông làm Phó sứ, tước Dĩnh Thành bá, để cùng với Trần Huy Mật, Trịnh
Xuân Chú cầm đầu phái đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc) báo tang và nộp cống
(1760).
“Tháng 11 năm Kỷ Mão, Cảnh Hưng thứ 20 (1759) sai các ông Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Chú sang tuế cống nhà Thanh, thêm vào việc báo tang vua [Lê] Ý Tông" — Đại Việt sử ký tục biên
Trên đường sang Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), Lê Quý Đôn thấy các quan lại nhà Thanh có thói quen gọi đoàn sứ của nước Đại Việt
(Nay là Việt Nam) là "di quan, di mục" (quan lại mọi rợ), ông lên tiếng
phản đối, từ đấy họ mới gọi là "An Nam cống sứ". Việc đáng kể nữa
trong chuyến đi sứ này, đó là ông đã được các quan lớn triều Thanh như Binh bộ
Thượng thư Lương Thi Chinh, Công bộ Thượng thư Quy Hữu Quang và nhiều nho thần
khác tìm đến thăm.
Đặc biệt, khi đến làm lễ ở điện Hồng Lô, Lê Quý Đôn gặp đoàn sứ thần Triều Tiên do Hồng Khải Hi đứng đầu (còn có Triệu Vinh
Tiến và Lý Huy Trung). Sau đó, ông đã làm thơ với họ, và cho họ xem ba tác phẩm
của mình là Thánh mô hiền phạm lục, Quần thư khảo biện và Tiêu Tương bách vịnh .
Tài văn chương và ứng đáp của ông làm cho họ "phải tôn trọng",
"phải khen ngợi".
Qua đời
Trong bối cảnh kiêu binh gây rối, triều chính
rối ren, nhân dân đói khổ,... Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê
mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để chữa trị, nhưng không khỏi.
Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11 tháng
6 năm 1784), lúc 58 tuổi.
Thương tiếc, chúa Trịnh Tông (tức Trịnh Khải)
đã đề nghị với vua Lê Hiển Tông cho bãi triều ba ngày, cử Bùi Huy Bích làm chủ
lễ tang, đồng thời cho truy tặng Lê Quý Đôn hàm Công bộ Thượng thư. Đến khi vua
Lê Chiêu Thống nắm quyền chính, ông được gia tặng tước Dĩnh quận công.
YÊU SỬ VIỆT theo wiki
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét