Về tên gọi các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM
Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

YEUSUVIET - Danh xưng chung: Có một chi tiết lịch sử thời Nguyễn mà một số nhà nghiên cứu thường nhắc tới, khi luận tội Lê Văn Duyệt, quần thần triều Minh Mạng đã gán cho ông tội “khi quân” vì đã dám “tiếm gọi mộ mẹ là lăng”. Điều đó chứng tỏ quy chế về cách dùng danh xưng chung chỉ lăng mộ thời kỳ này đã rất chặt chẽ. Chỉ có mộ của hoàng đế, hoàng hậu mới được gọi là lăng hay sơn lăng. Mộ của thân vương, phi, tần chỉ được gọi là tẩm, còn của thần dân, không phân biệt giàu nghèo đều gọi là mộ. 

Bài liên quan

Xem sách Đại Nam nhất thống chí, có thể thấy rõ, toàn bộ phần viết về lăng mộ các hoàng đế, hoàng hậu triều Nguyễn đều xếp chung trong phần Sơn lăng. Còn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì dành hẳn một quyển Lăng tẩm (quyển 216) với 5 nội dung: Quy Chế, Lệnh Cấm, Xây Dựng, Quy Thức Viên Tẩm và Cây Trồng, để bàn về vấn đề này. Thời Tự Đức trở về sau, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, có bổ sung thêm các quy định về viên tẩm, sinh phần, mộ cho các đối tượng là thân vương, quan lại. Thực ra, quy chế về danh xưng lăng mộ đã có từ rất lâu đời và nó có nguồn gốc trực tiếp từ Trung Hoa. 

Theo Từ Nguyên từ điển: “ Thời Tần gọi mộ Thiên tử là Sơn, từ thời Hán về sau mới gọi là Lăng”, các chữ Sơn lăng, Thọ lăng, Lăng viên, Lăng tẩm... cũng có nguồn gốc từ đó. Đến thời Minh-Thanh, các quy chế về lăng mộ của Trung hoa đã rất hoàn chỉnh. Các quy chế lăng mộ của triều Nguyễn đều tham khảo từ hệ thống quy chế này, dĩ nhiên cũng đã có những sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước ta. 

Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

- Tên gọi riêng 

Ngày nay chúng ta vẫn quen gọi lăng mộ vua chúa, hậu phi thời Nguyễn kèm theo niên hiệu, miếu hiệu, thậm chí cả theo tên huý của họ, như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Thuận Thiên, lăng Từ Dũ, lăng Nguyễn Hoàng vv... Thực ra, hầu hết các lăng này đều được đặt tên. Sách Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân năm thứ 9) kê ra đến 30 lăng có tên gọi riêng. Thời chúa Nguyễn có 19 lăng là các lăng : Trường Cơ, Vĩnh Cơ của chúa Nguyễn Hoàng và Hoàng hậu; Trường Diễn, Vĩnh Diễn của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu; Trường Diên, Vĩnh Diên của chúa Nguyễn Phúc Lan và Hoàng hậu; Trường Hưng, Vĩnh Hưng, Quang Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần và hai Hoàng hậu; Trường Mậu, Vĩnh Mậu của chúa Nguyễn Phúc Thái và Hoàng hậu; Trường Thanh, Vĩnh Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu và Hoàng hậu; Trường Phong, Vĩnh Phong của chúa Nguyễn Phúc Thụ (Trú) và Hoàng hậu; Trường Thái, Vĩnh Thái của chúa Nguyễn Phúc Khoát và Hoàng hậu; Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần và lăng Cơ Thánh của thân sinh vua Gia Long - ông Nguyễn Phúc Luân (Côn). 

Thời vua Nguyễn có 15 lăng có tên gọi riêng là : lăng Thoại (Thụy) Thánh của thân mẫu vua Gia Long; lăng Thiên Thọ (Thụ) của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu; lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu; lăng Hiếu của vua Minh Mạng; lăng Hiếu Đông của bà Tá Thiên Nhân hoàng hậu; lăng Xương của vua Thiệu Trị; lăng Xương Thọ của bà Nghi Thiên Chương hoàng hậu; lăng Khiêm của vua Tự Đức; lăng Khiêm Thọ của bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu; lăng An của vua Dục Đức; lăng Bồi của vua Kiến Phúc; lăng Tư của vua Đồng Khánh; lăng Tư Minh của bà Phụ Thiên Thuần hoàng hậu (tức bà Thánh Cung Nguyễn Thị Nhàn); lăng Tư Thông của bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu (tức bà Tiên Cung Dương Thị Thục) và lăng Ứng của vua Khải Định. 

Về cách đặt tên riêng cho từng lăng của thời Nguyễn cũng thể hiện rất phức tạp. Các lăng thời chúa Nguyễn đều bắt đầu bằng chữ TRƯỜNG - dành cho chúa và chữ VĨNH - dành cho bà phi vợ chúa. Đây là cách thức đặt tên khá phổ biến của lăng mộ đế vương Trung Hoa. Nhưng từ các hoàng đế triều Nguyễn thì dường như không hoàn toàn theo một quy tắc chung nào cả, dù thực chất tên các lăng thời chúa đều được đặt dưới thời vua Nguyễn (năm Gia Long thứ 7-1808). Cách đặt tên lăng thời các vua Nguyễn có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều của cách đặt tên lăng thời Minh. 

Vua Gia Long chọn cho "ngôi nhà vĩnh cửu" của mình cái tên Thiên Thọ, đặt ngay trên ngọn núi cùng tên - đây cũng là tên cụm núi chính của quần thể "Thập Tam lăng" thời Minh. Tuy nhiên, thời Minh lại khởi đầu bằng Hiếu lăng của người sáng lập ra triều đại - Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương - ở phía nam thành Phụng Dương, tỉnh An Huy (gần Nam Kinh); mười ba lăng còn lại, bắt đầu bằng Trường Lăng đều quy tập tại Bắc Kinh trong cụm "Thập Tam lăng". Theo chúng tôi, rất có thể vua Gia Long đã có ý đồ quy hoạch toàn bộ khu vực rộng lớn quanh Thiên Thọ Sơn làm nơi xây dựng lăng tẩm cho dòng họ Nguyễn, nhưng ý đồ này đã không được các vua Nguyễn về sau thực hiện. 

Triều Nguyễn, sau Thiên Thọ lăng mới đến Hiếu lăng, rồi các lăng Xương, Khiêm, Bồi, Tư, An, Ứng. Từ tên gọi đến thứ tự cách đặt tên đều không rập khuôn bất cứ triều đại nào của Trung Hoa. Sự khác nhau nổi bật về tên gọi các lăng hoàng đế Nguyễn từ thời Gia Long trở về trước và từ thời Minh Mạng trở về sau là tên kép (Trường Cơ, Trường Thanh, Thiên Thọ...) và tên đơn (Hiếu, Xương, Khiêm, Bồi..), còn về tên lăng hoàng hậu thì không có gì khác biệt, đều dùng tên kép (Vĩnh Cơ, Vĩnh Thanh, Thiên Thọ Hữu, Hiếu Đông...). 

Tuy nhiên về cách bố trí và đặt tên lăng các hoàng hậu triều Nguyễn, từ Gia Long trở về sau cũng có sự thay đổi đáng chú ý: Nếu lăng vua Gia Long gọi là Thiên Thọ Lăng và lăng Hoàng hậu Thuận Thiên được đặt ở bên hữu (phía tây) lăng này, gọi là Thiên Thọ Hữu Lăng thì lăng Hoàng hậu của vua Minh Mạng lại được đặt ở bên tả (phía đông, dù ở cách khá xa) của Hiếu Lăng và được gọi là Hiếu Đông Lăng. Việc thay đổi này là sự điều chỉnh theo quy chế lăng thời Thanh. Về thời gian đặt tên, trừ trường hợp lăng các chúa và phi mãi đến thời Gia Long mới được truy tôn, còn hầu hết các lăng hoàng đế, hoàng hậu triều Nguyễn, ngay sau khi lăng được xây dựng, triều thần sẽ họp bàn và dâng tên hiệu để vua chọn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt như Khiêm lăng của vua Tự Đức, sau khi xây dựng gần 16 năm vẫn mang tên là Khiêm cung do chủ nhân của nó vẫn còn tại thế.

Bài tiếp theo: Quy mô, cấu trúc và vật liệu xây dựng lăng Chúa Nguyễn.

Nguyễn Phúc Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (359) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (156) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (72) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (49) chong-phap (46) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (25) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)