Quy mô, cấu trúc và vật liệu xây dựng lăng Vua Nguyễn - Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Quy mô, cấu trúc và vật liệu xây dựng lăng Vua Nguyễn - Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định.

Share This
Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

YEUSUVIET - Lăng vua Dục Đức là khu lăng tẩm gần Kinh thành nhất, rộng gần 6ha, bao gồm lăng của vua Dục Đức (An Lăng) hiệp táng cùng Từ Minh hoàng hậu, lăng vua Thành Thái, vua Duy Tân cùng nhiều thành viên khác thuộc đệ tứ chánh hệ. Do vua Dục Đức chỉ làm vua được 3 ngày, chưa kịp đặt cả niên hiệu, bị phế truất và chết thảm trong ngục nên lúc đầu việc chôn lấp rất sơ sài. Sau khi Thành Thái (con trai vua Dục Đức) lên ngôi thì mới cho xây dựng quy mô và đặt tên lăng. 


Bài liên quan

An Lăng cũng chia thành 2 phần: Lăng (tả) và Tẩm (hữu), đặt song song với nhau, hướng mặt về phía tây bắc. Phần tẩm điện có tường thành bao bọc, diện tích 6.245m2 (73,6m x 57,1m), trổ 4 cửa. Sau cửa Tam quan xây gạch là bình phong, sân tế, đến điện Long Ân, kiểu nhà kép 5 gian (mặt nền 22,2m x 20,2m), trong thờ bài vị vua Dục Đức và hoàng hậu, sau bổ sung thêm vua Thành Thái và vua Duy Tân. Phía sau điện Long Ân là Tả hữu tòng viện. Khu lăng cũng có la thành bao bọc theo kiểu 3 lớp, đều xây gạch bao bọc lấy một khu vực có diện tích 3.445m2 (67,5m x 51m), trổ 3 cửa mặt trước và 2 cửa ở hai bên. Cửa chính giữa phía trước kiểu tam quan 3 tầng, xây gạch, 2 cửa bên kiểu cửa vòm. 

Qua cửa là sân chầu rộng 1.368m2, qua lớp thành trong là Bảo thành (38,6m x14,5m). Trong Bảo thành có nhà Hoàng Ốc hình vuông (cạnh 7m) sườn gỗ, lợp mái ngói Hoàng lưu li. Hai bên nhà là Bảo phong gồm 2 ngôi mộ xây liền kề kiểu “Càn Khôn hiệp đức” như Thiên Thọ Lăng nhưng kiểu hình khối chữ nhật với 5 tầng chồng lên nhau, cao 0,84m. Điểm đặc biệt của An Lăng là không có nhà bia và thạch tượng sinh. Lăng vua Thành Thái và lăng vua Duy Tân đều nằm ở phía đông của An Lăng, do mới đưa vào sau nên việc xây dựng đơn giản, không khác gì mồ mả của người dân bình thường. 

Lăng vua Đồng Khánh

Đây cũng là một khu vực lăng tẩm rộng lớn, nối liền với khu vực lăng vua Tự Đức, tạo nên một quần thể lăng tẩm rộng gần 500ha. Riêng trong khu vực này có khu lăng tẩm khác nhau: Tư Lăng của vua Đồng Khánh, Thiên Thành Cục của Kiên Thái Vương và một số tẩm mộ của các thành viên khác trong gia đình với thời gian xây dựng cũng rất khác nhau. Tương tự như lăng mộ các vị vua Nguyễn khác, Tư lăng gồm có 2 phần: khu điện thờ và khu lăng mộ. Khu điện thờ tọa lạc trên một ngọn đồi, quay mặt hướng đông nam, lấy đồi Thiên An, cách đó 3km làm tiền án. Toàn bộ khu vực này có vòng tường xây gạch hình chữ nhật bao bọc. Tường cao 3m, dày 0,55m, chu vi 262m; khoảng giữa 4 mặt đều trổ cửa. Cửa hậu và hai cửa bên đều làm theo lối cửa vòm cuốn, có mái đúc giả ngói, còn cửa chính phía trước, mang tên Cung Môn làm bằng gỗ, kiểu 3 gian, 2 tầng. Từ nền Cung Môn đi ra phía trước có đến 15 bậc cấp bằng đá Thanh, 2 bên đắp rồng chầu thành bậc, đi ra phía sau có 3 bậc cấp dẫn xuống sân trước điện Ngưng Hy. 

Điện Ngưng Hy là ngôi điện chính của khu điện thờ, cấu trúc kiểu nhà kép trùng thiềm điệp ốc với 3 ngôi nhà ghép 7 gian 2 chái liền nhau đặt trên 1 mặt nền thống nhất, gần như vuông (25m x 24m). Cả 3 phần của điện đều 7 gian, 2 chái với tổng cộng 100 cây cột gỗ lim sơn son thếp vàng rực rỡ. Ở chính điện ngoài bài vị vua Đồng Khánh, 2 bên tả, hữu còn thờ bài vị 2 hoàng hậu Thánh cung, Tiên cung. Phía trước điện Ngưng Hy, bên tả là Công Nghĩa Đường, bên hữu có Minh Ân Viện, đều kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi thờ các công thần. Sau điện, 2 bên có Tả, Hữu tòng viện, cũng kết cấu kiểu 3 gian 2 chái, dùng làm nơi sinh sống của các cung phi sau khi vua mất. 

Khu lăng mộ cũng nằm trên một ngọn đồi cao, quay mặt về hướng đông- đông- nam, lấy ngọn Thiên Thai làm tiền án, cấu trúc tương tự lăng mộ các vua Nguyễn tiền triều nhưng đã dùng vật liệu xi-măng sắt thép. Bảo phong nằm trong 3 vòng tường thành xây gạch hình vuông. Vòng tường ngoài (25 x 25m), cao 1,6m, dày 0,5m; vòng tường thứ 2 chỉ cao 0,5m, dày 0,7m; vòng tường thứ 3 cao đến 3,4m, dày 0,6m. Cả 3 vòng tường đều trổ một cửa phía trước; sau cửa ngoài cùng có bình phong trang trí hổ phù và chữ thọ. 

Bảo phong xây bằng đá Thanh kiểu 1 ngôi nhà có mái, dài 4,2m, rộng 2,6m, bờ nóc và đầu hồi trang trí hình rồng, dơi và chữ thọ. Phía trước lăng là 3 tầng sân tế rộng 25,7m, tầng sân trên dài 10m, lát gạch carô, tầng sân giữa dài 7m, tầng dưới cùng dài 5,2m, đều lát gạch Bát tràng. Trước nữa là nhà bia hình tứ giác xây gạch, mái đúc giả ngói ống, trong dựng bia Thánh Đức Thần Công bằng đá Thanh. Bia cao 3m, rộng 1,45m, dày 0,16m đặt trên bệ cũng bằng đá Thanh cao 0,6m, rộng 0,8m, dài 2,8m. Trên bia khắc bài văn ca ngợi công đức vua cha của vua Khải Định viết năm 1916. Hai bên nhà bia là 2 trụ biểu xây gạch trát vữa xi-măng. Sân bái đình nằm phía trước nhà bia, ngoài cùng là Nghi môn kiểu tam quan đắp trụ tròn, nền sân lát gạch Bát tràng. Hai bên sân Bái đình thiết trí hai hàng tượng gồm quan văn, quan võ, ngựa, voi, mỗi bên 6 bức. 

Khác với tượng đá Thanh ở các lăng mộ vua Nguyễn tiền triều, tượng ở đây đắp bằng gạch và vôi vữa, hình thức tượng khá thanh mảnh. Tất cả các bức tượng đều được đặt trên các bệ vuông xây gạch. Nhìn chung, về hình thức, Tư lăng cũng tương tự các lăng mộ các vua Nguyễn khác. Nét đặc sắc ở đây có lẽ là điện Ngưng Hy với kiểu kết cấu nhà ghép 3 căn mang trên mình nó những hình thức trang trí nghệ thuật hết sức phong phú và độc đáo của nghệ nhân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Về mặt lịch sử kiến trúc, Tư lăng là công trình đánh dấu sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại vào kiến trúc truyền thống Việt Nam, để rồi mở kỷ nguyên đấu tranh và hòa hợp giữa hai dòng kiến trúc này. 

Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

Lăng vua Khải Định

Tức Ứng Lăng, là lăng tẩm hoàng đế được xây dựng cuối cùng của thời Nguyễn. Khu lăng đặt trên sườn núi Châu Chữ, mặt quay về hướng tây nam, toàn bộ không gian rộng lớn quanh lăng đều có rừng thông bao phủ. Giữa không gian ấy, lăng Khải Định nổi bật lên như một tòa lâu đài đồ sộ của Tây Âu thời trung cổ. Mặt bằng xây dựng lăng hình chữ nhật (117m x 48,5m), có hàng rào cao 3m bảo vệ. Toàn bộ khu tẩm điện và lăng mộ hòa chung với nhau thành 1 trục thống nhất, bố trí trên 7 tầng sân với 127 bậc cấp xây gạch. Tầng dưới cùng là con đường chạy qua trước mặt lăng, vượt qua 37 bậc cấp mới đến cửa chính. Hệ thống bậc cấp chia thành 3 lối đi, 2 bên thành bậc đắp nổi 4 con rồng rất lớn, tư thế bò từ trên xuống. 

Qua khỏi cửa chính là tầng sân thứ 2, hình chữ nhật (47m x 24,5m), lát gạch ca rô. Hai bên sân có 2 nhà Tả, Hữu tòng tự, tục gọi là nhà Xanh, đều 3 gian, xây vách, mái lợp ngói liệt; trong thờ bài vị các công thần. Qua tiếp 29 bậc cấp nữa là sân Bái đình (47m x 40,5m). Nghi môn kiểu tam quan đồ sộ ở phía trước. Hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng gồm quan văn, quan võ, binh lính, ngựa, voi tạc bằng đá, đứng chầu. Bi đình đặt ở giữa phía cuối sân. Nhà bia xây hoàn toàn bằng bê tông, chia hai tầng mái, lợp ngói ardoise. Trong bi đình là tấm bia bằng đá Thanh đặt trên bệ đá kiểu chân quỳ khắc bài văn ca ngợi công đức vua Khải Định. 

Bia cao 3,1m, rộng 1,2m, bệ bia cao 0,76m, rộng 0,85m, dài 2,1m. Cả bia và bệ đều chạm khắc công phu, hình thức kiểu bia đá Huế truyền thống. Sau Bái đình là 3 tầng sân cũng hình chữ nhật, lát gạch carô, mỗi tầng cách nhau 13 bậc cấp, thành bậc đều đắp 4 con rồng cùng tư thế bò từ trên xuống. Trên sân có các bồn hoa hình chữ nhật trồng các loại cây cảnh, đặc biệt ở tầng sân thứ 2 còn có 2 cột cờ bằng bê tông khá hiện đại dùng để treo cờ vào dịp lễ tết. Cung Thiên Định nằm ở tầng sân thứ 7, phía cuối trục thần đạo, và cũng là vị trí cao nhất của lăng. Đây là một tòa nhà đồ sộ kiêm cả chức năng điện thờ và nơi đặt thi hài của nhà vua. 

Cung Thiên Định có mặt bằng hình chữ nhật (34,5m x 26,4m), nền lát đá cẩm thạch, không gian chia làm 5 phòng. Hai bên là Tả, Hữu trực phòng, tường quét giả màu đá cẩm thạch. Ba phòng giữa xếp theo hình chữ tam. Phòng phía trước đặt án thờ đúc bằng bê tông, phía trên có bức hoành đề tên điện (Khải Thành Điện). Toàn bộ 4 mặt tường được trang trí hết sức công phu bằng mảnh sành sứ ghép nổi với các đề tài bát bửu, tứ thời, ngũ phúc ghép với các câu thơ. Trần nhà trang trí bằng bức tranh Cửu long ẩn vân vẽ rất hoành tráng. Phòng giữa đặt bức tượng đồng mạ vàng vua Khải Định (tỉ lệ 1,7/1) ngồi trên ngai vàng, đúc năm 1920 tại Pháp. 

Trên đầu tượng là chiếc Bửu tán bằng bê tông, sau lưng tượng là hình mặt trời đang lặn xuống. Phía dưới tượng, ở độ sâu 9 mét là nơi cất giữ thi hài nhà vua. Phòng trong cùng có nền cao hơn các gian ngoài 1,7m. Đây là   gian đặt bàn thờ và bài vị vua Khải Định cùng các đồ tự khí, ngự dụng. Có thể nói rằng, giá trị lớn nhất của lăng Khải Định là nghệ thuật trang trí bằng cách ghép nổi mảnh sành sứ và những bức tranh hoành tráng ở nội thất cung Thiên Định. Nhưng nhìn một cách toàn diện thì đây còn là khu lăng đã rất thành công trong việc kết hợp một cách hài hòa các trường phái kiến trúc Đông - Tây để tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. 

Một số nhận xét về lăng tẩm Nhà Nguyễn: 

- Các lăng tẩm triều Nguyễn đều đặt ở phía tây, tây nam Kinh thành, nằm gần hai bờ sông Hương và hầu hết tách biệt nhau. Quy mô tổng thể lăng tẩm rất lớn với diện tích hàng trăm héc ta, nhưng quy mô các công trình kiến trúc không lớn, được tạo tác rất hài hòa với tự nhiên. 

- Về bố cục, lăng tẩm các vua Nguyễn và hoàng hậu có thể chia thành 3 loại: 1- Bố cục theo chiều dọc theo một tổng thể xuyên suốt (lăng Minh Mạng, lăng Khải Định); 2- Bố cục thành 2 phần Lăng và Tẩm song song với nhau (Thiên Thọ Hữu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng, Ứng Lăng…); 3-Bố cục thành 3 phần Lăng – Tẩm- Nhà bia song song với nhau (Thiên Thọ Lăng). Loại đầu theo kiểu chữ Nhất (一), loại thứ hai kiểu chữ Nhị (二), loại thứ 3 vừa giống chữ Tam (三) vừa giống chữ Nhất (theo chiều ngang). Những cách sắp xếp bố cục trên có lẽ đều xuất phát từ sự cải biến bố cục của khu lăng đầu tiên – lăng Thiên Thọ, nhưng thực sự đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của kiến trúc lăng tẩm Nguyễn, nhất là khi mỗi khu lăng đều biết gắn liền với điều kiện tự nhiên để tạo dựng các công trình cho phù hợp. 

- Trong các khu lăng triều Nguyễn, yếu tố nước (Thủy) giữ vị trí rất quan trọng, có lẽ chỉ sau yếu tố núi (Sơn), trừ Ứng Lăng, tất cả các khu lăng đều tạo hồ nước bên trong và đôi khi chiếm diện tích rất lớn (Hiếu Lăng với hồ Trừng Minh; Xương Lăng với hồ Điện, hồ Nhuận Trạch, ao Ngưng Thúy; Khiêm Lăng với hồ Lưu Khiêm, ao Lưu Khiêm). Chính yếu tố nước đã làm kiến trúc các khu lăng mềm mại, nên thơ và giàu bản sắc phương Nam hơn. Bên cạnh đó các loại cây cối, hoa cỏ (Mộc) cũng rất được chú trọng. Các khu lăng đều được đặt trong những khu rừng lớn tự nhiên, được trồng rất nhiều loại cây, hoa… thể hiện rõ lối kiến trúc cảnh vật hóa hướng đến sự hòa đồng với thiên nhiên. 

-  Các loại vật liệu xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn thể hiện rõ tính chất thời đại. Trong giai đoạn đầu, đều sử dụng vật liệu truyền thống là gỗ, gạch ngói, đá (trong đó có rất nhiều đá núi lấy tại chỗ), nhưng giai đoạn sau đã sử dụng cả vật liệu hiện đại nhập ngoại như ciment, sắt, ngói ardoise, sành sứ…(Tư Lăng, Ứng Lăng)

Nguyễn Phúc Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (359) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (156) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (72) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (49) chong-phap (46) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (25) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)