Đánh giá về Triệu Đà trong các bộ sách Sử Việt. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Đánh giá về Triệu Đà trong các bộ sách Sử Việt.

Share This
lịch sử việt nam, yêu sử việt, triệu đà có phải vua việt nam hay không
YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, Triệu Đà là một nhân vật lịch sử đến nay vẫn còn nhiều tranh luận dù nguồn gốc xuất thân của ông là người Hán, không phải người Việt. Sử Việt thời hiện đại không căn cứ vào thuyết thiên mệnh của Nho giáo mà căn cứ vào bản chất quốc gia - dân tộc và lãnh thổ để xác định Triệu Đà không phải vua chính thống của người Việt. Trái lại, dù xác định Văn Lang của các Vua Hùng là nhà nước Việt Nam đầu tiên nhưng sau này bị Thục Phán An Dương Vương xâm chiếm thì An Dương Vương vẫn được công nhận là một triều đại của người Việt, đó là do xuất phát từ nguồn gốc cùng trong dòng dõi Bách Việt nên nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương cũng mang tính kế thừa đối với nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng.

Bài liên quan

Suốt hơn ngàn năm cho đến trước khi "Đại Việt sử ký tiền biên" của Ngô Thì Sĩ ra đời năm 1800 dưới triều Tây Sơn không biết vấn đề Triệu Đà có được bàn lại hay chưa nhưng các sử thần Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên vẫn chép Triệu Đà là vua nước Việt một cách chính thức. Khi biên soạn "Đại Việt sử ký tiền biên" mặc dù đã chính thức bỏ triều đại của Triệu Đà ra khỏi Sử Việt chính thống nhưng Ngô Thì Sĩ vẫn chép lại những lời bàn của các sử thần đời trước để chúng ta có thể tiếp tục xem xét, đánh giá về sau. Dưới đây là nội dung bình luận ba vị Sử thần sau khi Triệu Đà qua đời năm 137 Tr.CN.

"Giáp Thìn [137 tr.CN] (Hán Vũ Đế năm Kiến Nguyên thứ 4, Triệu Vũ Đế năm thứ 71), Triệu Vũ Đế Đà mất, cháu là Hồ lên ngôi, tức Văn Vương (Hồ là con Trọng Thủy). Triều nhà Trần truy phong là Hoàng đế, sử cũ chép nay bỏ đi.

Sử thần Lê Văn Hưu bàn: Đất Liêu Đông không có Cơ Tử, thì không thể có phong tục mặc áo đội mũ; đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể cường thịnh thành nghiệp vương nghiệp bá. Đại Thuấn là người Đông Di mà là bậc vua giỏi trong ngũ đế, Văn Vương là người Tây Di là bậc vua hiền trong tam vương.  Thế mới biết người giỏi trị nước thì không cứ gì rộng hay hẹp, người Hoa hay người Di, chỉ trông vào đạo đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta tự xưng đế trong nước, chống chọi với nhà Hán, là người mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta. Công ấy có thể nói là lớn đấy! Người làm vua nước Việt sau này, nếu biết bắt chước Triệu Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, đặt quan cai trị nước, có đường lối để giao thiệp với láng giềng, lấy nhân nghĩa mà giữ ngôi báu thì giữ được bờ cõi lâu dài, người phương Bắc không thể trừng mắt với ta được.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Truyện có câu:"Người có đức lớn ắt có địa vị, có danh vọng, được sống lâu". Vũ Đế tu dưỡng thế nào mà được như thế? Cũng chỉ ở chỗ có đạo đức đấy thôi. Xem câu trả lời của Đà với Lục Giả thì uy thế Anh Vũ chẳng kém gì Hán Cao Đế. Đến khi nghe Văn Đế đặt thủ ấp để trông coi phần mộ tổ tiên của vua, hằng năm cúng tế và ban thưởng rất hậu cho anh em thì lại khuất phục nhà Hán. Do đó mà tông miếu được cúng thờ, con cháu được bảo tồn, chẳng phải là vì đạo đức đó sao? Kinh Dịch nói: "Biết khiêm tốn thì ở ngôi cao đức sẽ càng sáng, ở ngôi thấp cũng không ai dám vượt qua". Triệu Đà là hợp với câu ấy đấy.

Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn: Triệu Đà cuối thời Tần chỉ là một quan lệnh mà thôi, nhân nhà Tần loạn, chiếm cứ đất Lưỡng Quảng, đang giành địa vị ở Trung Nguyên, chưa để mắt đến đất Lĩnh Nam. Sau khi việc nhà Hán đã ổn định, Cao Tổ cũng thấy ghét binh đao chán công trạng. Văn Đế nối ngôi lại càng ngại dùng vũ lực. Cho nên lần trước ban cho phù tiết, lần sau sai sứ đưa thư Lục Giả hai lần sang nước Việt. Đà nhân ấy buộc Mân Việt, Tây Âu phải lệ thuộc vào mình, ngồi xe mui vàng xưng là hoàng đế để tự đề cao mình cho khác biệt. Song tự biết sức không thể địch nổi nhà Hán bèn nhân Vũ Đế vỗ về, từ đó dùng lời lẽ nhún nhường bỏ hiệu đế, tự xưng là bề tôi dâng lễ cống để làm vừa lòng nhà Hán. Đây lại càng thấy rõ chổ quỷ quyệt của Đà. Nếu không phải là người hiểu thấu được cái lẽ nên cứng nên mềm, khi co khi giãn, thì không thể làm được. Đà mở được nước rộng muôn dặm, truyền ngôi hàng trăm năm, thay tục búi tóc thành tục đội mũ đai, xếp bỏ can qua mà dùng ngọc lụa bồng cháu làm vui, tuổi cao mà vẫn còn mạnh khỏe. Buổi đầu thời Hán, trong thì chư hầu, ngoài thì nhiều nước không ai sánh kịp sự lâu dài ấy. Người bình luận đời sau khen là bậc vua nổi tiếng, chẳng phải là anh hùng một thời đó sao?



Song các nhà làm sử như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên ví Đà như Cơ Tử, Thái Bá và lấy công mở nghiệp đế mà quy cho Đà; thậm chí cho Đà là người có đức tứ ứng ngang với Thuấn, hết sức tán dương đức khiêm tốn của Đà thì là sai đấy. Sao lại nói thế? Vì rằng với Thuấn thì Đà vốn không thể sánh kịp rồi. Còn như Cơ Tử đến Triều Tiên đặt ra lệnh cấm, biến đổi phong tục cho dân, nền giáo hóa nhân đức hiền từ ấy đến nay vẫn còn. Thái Bá ba lần nhường thiên hạ đức lớn ấy không thể nào tả nổi chứ không phải giáo hóa của ông chỉ ở Kinh Man mà thôi. Đất Giao Nam từ đời hoàng đế Chuyên Húc cho đến nhà Chu chỉ sai sứ tiến cống tự thành một nước riêng. Ngay mạnh như Tần, uy lực của Thủy Hoàng trong ngoài 9 châu, đánh đâu mà không được, gọi ai mà không đến, nhưng dốc hết binh lực của Vương Tiễn cũng chỉ mở đến Bách Việt thôi chứ không đến được Giao Chỉ.

Đà chiếm Ngũ Lĩnh, chỉ khổ vì lòng tham không biết thế nào cho đủ, lại tiêu diệt An Dương mà thôn tính, truyền được vài đời thì mất. Bản đồ sổ sách thuộc nước cũ của An Dương phải nhập về nhà Hán. Do đó nước ta trở thành nguồn lợi cho Trung Quốc. Châu ngọc chứa đầy kho, quất vải đặt thành chức quan (Hán Vũ Đế đánh Nam Việt, dựng cung Phù Lệ trong vườn Thượng Uyển để trồng các thứ cây lấy được như nhãn, vải, xương bồ, mỗi thứ hơn trăm gốc. Vải xứ Giao Chỉ dời đến trồng ở trong sân, không sống được một cây nào. Tại Giao Chỉ có chức Quất quan đặt một người trưởng quan, phẩm trật hưởng 300 thạch, chủ yếu coi việc cống quất cho vua hàng năm). Giả sử Đà không gây nên mối binh đao thì cho dù Hán Vũ Đế co tham mở đất, thích lập công, chẳng qua cũng chỉ diệt họ Triệu để lấy lại quận huyện của nhà Tần xưa mà thôi, chứ cũng không đến được Giao Chỉ

Nước ta ngoại thuộc vào Triệu nên nội thuộc vào Hán cho mãi đến thời Đường, quốc thống bị đoạn tuyệt, suy nguồn gốc, người đầu tiên gây nên tai vạ không phải Đà thì còn ai? Hơn nữa Đà đặt nước ta làm quận huyện, chỉ biết tịch thu đất đai, vơ vét thuế má, chỉ cốt lấy đầy ngọc bích cho triều đình nhà Hán, chất túi Lục Giả có đủ nghìn vàng. Còn như giáo hóa phong tục không mảy may để ý đến. Nghề cày cấy là cội gốc để nuôi dân, việc cưới xin là việc lớn của con người, thì bấy giờ dân ta vẫn tối tăm không biết gì hết. Trải qua hàng trăm năm đất nước chỉ là lệ thuộc. Công đức của Cơ Tử, Thái Bá lẽ nào lại như thế ư? Còn như suy rộng công của Đà cho là người mở đầu cơ nghiệp đế vương, thì tôi đã bàn rồi. Lê Văn Hưu đặt phép chép sử đó, lập lối nghị luận đó, Ngô Sĩ Liên theo lối hiểu nông cạn đó mà không sửa đổi, cho đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm, cùng nhau ca tụng, cho Đà là bậc vua giỏi của nước mình, đến nay đã trải hàng nghìn năm không ai cải chính, bởi vậy tôi phải luận thật sâu."

Trên đây là đoạn trích lời bàn của các sử thần về sự kiện Triệu Đà mất. Như trong ý kiến về việc liệu có ý nghĩa thoát sự lệ thuộc tư tưởng thuyết thiên mệnh trong "Đại Việt sử ký tiền biên" hay không, thì những đánh giá nêu trên đây của các vị sử thần sống cách nhau vài trăm năm cũng luôn luôn mang ý kiến chủ quan dựa trên sự nhận thức từ thời đại của mỗi vị và tầm vóc của quốc gia Đại Việt ở mỗi thời đó. Dù rằng lịch sử hiện đại đã ghi nhận chính thức Triệu Đà là thời kỳ Bắc thuộc nhưng trách nhiệm viết - nghiên cứu Sử Việt dựa trên cơ sở quyền lợi cao nhất của Dân tộc vẫn bắt buộc những bàn luận sâu rộng, đánh giá khách quan hơn về vị trí của nhà Triệu trong Sử Việt. Tuy nhiên, cả hai quan điểm đều thừa nhận, Triệu Đà là người Hán không phải người Việt và tộc Hán và tộc Bách Việt có huyết thống khác nhau là điều không thể chối cãi.

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (357) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (154) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (71) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (48) chong-phap (46) nha-hau-le (44) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (25) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) le-dai-hanh (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) khoi-nghia-lam-son (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) hung-vuong (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) le-thai-to (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) hùng vương (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)