Sách "Vua Gia Long" - Marcel Gaultier - Chuyện về một Hoàng đế Thống nhất - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Sách "Vua Gia Long" - Marcel Gaultier - Chuyện về một Hoàng đế Thống nhất

Share This
lịch sử việt nam, yêu sử việt, vietnamese history, vua gia long, marcel gaultier, nhà tây sơn, chúa nguyễn, nguyễn phúc ánh
YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, cuộc đời của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh còn mang quá nhiều những nghi vấn và những đám mây mù xoay quanh. Triều đại Nhà Nguyễn đúng thực là triều đại quân chủ cuối cùng của nước Việt Nam phong kiến và cũng là triều đại mang trách nhiệm lớn nhất làm mất nền độc lập của quốc gia vào tay người Pháp. Nhưng có một điều không thể chối cãi, đó là triều đại Nhà Nguyễn là triều đại đã chấm dứt những cuộc nội chiến, chia cắt suốt hơn 300 năm và nhân vật lịch sử đã đóng góp công lao to lớn nhất cho sự thống nhất Tổ quốc Việt Nam, chấm dứt nội chiến chính là Hoàng đế Gia Long. Bằng một cuộc đời phiêu dạt từ năm 15 tuổi với trách nhiệm nặng nề khôi phục gia nghiệp của các đời Chúa Nguyễn ở trời Nam, những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Hoàng đế luôn mang nhiều ý nghĩa, sắc thái khác nhau mà nếu muốn hiểu được thật rõ công - tội không phải điều dễ dàng. Năm 1936, Marcel Gaultier đã xuất bản quyển sách "Gia-long" (Vua Gia Long) tại Sài Gòn để đi tìm cho riêng nhà văn Pháp một hình ảnh Hoàng đế Gia Long của ông.

Bài liên quan

Trước hết, Gaultier là một người Pháp và chúng ta cần bỏ qua những nội dung đề cao người Pháp, nước Pháp mang nặng tính chủ quan của ông nhưng cũng đồng thời đừng bỏ qua những sự thật khách quan về nền thương mại, sức mạnh kỹ thuật quân sự và nền khoa học vượt trội của người Pháp nói riêng, phương Tây nói chung. Ít nhiều trong quyển sách, chúng ta có thể nhận thấy tác giả đề cao vai trò của những người Pháp đã cùng Giám mục Pigneau de Béhaine với hiệu tòa Adran (Giám mục Adran, tức Đức cha Bá Đa Lộc) như đại tá lục quân Laurent Barizy, Philippe Vannier (tên Việt Nguyễn Văn Chấn), Olivier de Puymanel (người xây dựng thành Sài Gòn năm 1790 và thành Diên Khánh - Khánh Hòa), Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) cùng những người khác. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định những người Pháp này đã tham gia vào cuộc phiêu lưu ở Xứ Đàng Trong thông qua các thương gia ở Pondichéry (tên gọi vùng thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ) và Ile de France vì họ đã thuê những người này trước những hứa hẹn, lợi ích mà Giám mục Adran dành cho họ.

Nhưng ở điểm này, cần phải hiểu hoàn cảnh của chàng trai Nguyễn Phúc Ánh vào thời điểm lúc bấy giờ. Sinh năm 1762, đến năm 4 tuổi thì quyền thần Trương Phúc Loan tiếm quyền, bắt giết người kế vị Chúa Nguyễn dẫn đến một cuộc bạo loạn sẽ là điểm khởi đầu cho việc kết thúc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Năm 1771, khi Nguyễn Ánh mới 9 tuổi, Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (Hoàng đế Quang Trung) và Nguyễn Lữ nổi dậy ở vùng Quy Nhơn ngày nay. Đến năm 1775, khi 13 tuổi, Nguyễn Ánh bắt đầu những bước chân phiêu dạt, trốn chạy đầu tiên trước cuộc tấn công của Chúa Trịnh từ phía Bắc và Tây Sơn từ Quy Nhơn. Hai năm sau, năm 1777, khi mới 15 tuổi, Nguyễn Ánh chứng kiến Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương và những người anh em ruột thịt của mình bị quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo bắt giết. Nguyễn Ánh lênh đênh trốn sang Hà Tiên, Thổ Châu và khi hay tin đó, Giám mục Adran Bá Đa Lộc từ Cao Miên chạy về Thổ Châu để gặp Nguyễn Ánh.

Trong quyển sách "Vua Gia Long", tác giả Marcel Gaultier đã không che giấu những ẩn chứa phía sau của mối quan hệ gắn kết giữa Hoàng đế Gia Long và Giám mục Adran. Nhưng trước hết, cần biết rằng mối quan hệ của hai Vị xuất phát tự sự tôn trọng, gắn bó và như một mối lương duyên chân thành với nhau. Qủa vậy, khi Nguyễn Ánh giao cho Giám mục Adran bản Dự thảo Hiệp ước 1787 để trình lên triều đình Pháp của vua Louis XVI, Ngài đã tin tưởng vào người đồng hành của mình về một sự hỗ trợ quân sự từ nước Pháp để khôi phục cơ nghiệp của các Chúa Nguyễn và bỏ qua tất cả những lời mời gọi hợp tác từ các đế quốc khác, như của nữ hoàng Bồ Đào Nha. Hai Vị đã giữ lời hứa với nhau và cho dù đã thất bại trong việc thuyết phục triều đình Pháp, Giám mục Adran vẫn cố gắng thực hiện lời hứa của mình khi quay trở về cùng Nguyễn Ánh với những người Pháp nêu trên. Do đó, mối quan hệ Việt - Pháp đã có một sự sắp đặt từ xa xưa dựa trên sự tin cậy, tin tưởng của những người đầu tiên là Nguyễn Ánh và Giám mục Adran. Tuy vậy, suy nghĩ của một Hoàng đế trị vì một vương quốc và một Giám mục của Giáo hội Công giáo vẫn có điểm không thể giống nhau.



Tác giả Marcel Gaultier đã viết lại rất rõ trong quyển sách của mình về suy nghĩ của hai người bạn đồng hành với hai cương vị khác nhau và không ngần ngại khẳng định những suy nghĩ vì lợi ích riêng của mỗi người. Giám mục Adran đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu chính trị cùng vị vương trẻ tuổi của Xứ Đàng Trong với mục đích cuối cùng, chắc chắn là cuối cùng của ông, là truyền giáo. 

Hoàng đế dù biết được điều đó, nhưng cũng giống như một người cùng giống nòi ở bên kia chiến tuyến trước đây là Chúa Trịnh Tráng, Ngài không ác cảm với những người Công giáo và những thừa sai nhưng biết phải khéo léo để bản thân mình không rời xa dân chúng của mình, nhất là truyền thống tôn kính tổ tiên. Tại các trang 145, 146, 147 của quyển sách do dịch giả Đỗ Hữu Thạnh chuyển ngữ và Nhà xuất bản Thế giới cùng Công ty Omega+ ấn hành, Nguyễn Ánh đã thể hiện một đường lối uyển chuyển mà có thể xem như là một giải pháp cho sự xung đột văn hóa, bản sắc giữa tín điều Công giáo và truyền thống tôn kính tổ tiên. Nhưng đáng tiếc, sự sâu sắc trong cách nhìn nhận của Hoàng đế Gia Long đã không thể được phát triển lên thành những chính sách tầm quốc gia cho một cuộc hài hòa mà đáng lý ra sẽ không dẫn đến những cuộc "bách hại" đạo Công giáo đẫm máu về sau, có lẽ tình cảm chân thành dành cho một người Pháp chân thành là Giám mục Adran đã dần nằm lại dưới bụi đất theo sau sự ra đi của Giám mục vào ngày 9/10/1799. Vì khi lên ngôi Hoàng đế, Ngài buộc phải nghĩ khác về người Pháp, chính xác là các tham vọng của triều đình Pháp.

Công bằng mà nói và cũng chính tác giả người Pháp Marcel Gaultier đã khẳng định:
Dù gì đi nữa, hành động cá nhân của Giám mục Adran phải được nhìn nhận như nguyên nhân ban đầu của việc can thiệp quân sự của chúng ta vào Đông Dương. Quả tình, chính điều khoản của thỏa ước 1787 nhường tất cả tài sản của vịnh Tourane cho nước Pháp, cũng như hàng loạt những khủng bố đàn áp các giáo sĩ thừa sai dưới thời vua Tự Đức, trở thành cái cớ cho Chính phủ Pháp can thiệp vào nội tình nước An Nam.
Để hiểu rằng, cuộc chiến sẽ diễn ra từ năm 1858 giữa Pháp và Đại Nam mà người Pháp lấy cớ từ thỏa ước của Nguyễn Ánh và Giám mục Adran thật sự chỉ là cái cớ của một quốc gia phương Tây đã bất lực từ thế kỷ 18 dưới triều Vua louis XVI khi không thể nhìn thấy những lợi ích thật sự nếu nghiêm túc thỏa luận về bản dự thảo hiệp ước năm 1787 mà Nguyễn Ánh đã gửi triều đình Pháp.

Tác giả Gaultier đã thừa nhận "tầm vóc" và sự "thiếu hiểu biết" cũng như "thiếu quyết đoán, tầm thường" của Vua, Bộ trưởng và sĩ quan đặc trách vấn đề Xứ Đàng trong của Chính phủ Pháp. Bằng một cách nhìn của một nhà văn, có lẽ tác giả nhìn nhận nếu bản dự thảo năm 1787 được thông qua, nước Pháp sẽ có một vị trí đáng kể trong cuộc tranh giành thương mại với Anh ở Châu Á và cuộc chiến tàn khốc một thế kỷ sau sẽ không diễn ra, nhưng không hẳn là như vậy.

Nước Pháp nói riêng và phương Tây nói chung trong thời kỳ trước thế kỷ XX đã định hình trong bản chất của những cuộc phiêu lưu quân sự ở phương Đông là lợi ích thương mại. Họ nhìn thấy ở các quốc gia như Đại Nam trước hết là lợi ích thương mại và giải pháp tiên quyết lúc bấy giờ cho yêu cầu "tự do thương mại" là sức mạnh quân sự, là chiến tranh mà không phải những giải pháp khác như thời hiện đại hôm nay. Điều này không loại trừ những chính sách bế quan tỏa cảng tai hại như cách làm của Đại Nam cũng như Mãn Thanh nhưng rõ ràng đòi hỏi của người phương Tây là lợi nhuận thương mại trên hết và quân sự cưỡng bách sẽ là giải pháp của giới thương gia "con buôn" - từ tác giả đã dùng trong quyển sách.



Marcel Gaultier còn viết về những ngày Nguyễn Ánh ở tại Vọng Các và việc quốc vương Xiêm La chấp nhận gửi một đạo quân viễn chinh để chống lại cuộc nổi dậy của Nhà Tây Sơn khi cho rằng có thể can thiệp vào các vùng đất ở phía Đông nhân sự rối loạn của thành Gia Định. Qủa thực, cần nhìn nhận những thạm vọng khác nhau giữa các quốc gia Xiêm La, Cao Miên và Xứ Đàng Trong trong những thế kỷ rối ren trước đây. Khi các Chúa Nguyễn bước những bước chân mở cõi về phương Nam và gây sức ép lên các vua Cao Miên từ phía Đông thì Xiêm La là đối trọng ở phía Tây. Những toan tính của Vương quốc Xiêm không nằm ngoài việc thu phục Cao Miên và Gia Định nhưng tiềm lực của các Chúa Nguyễn và sức mạnh Đại Việt đã ngăn chặn điều đó. Khi buộc phải lưu vong từ năm 15 tuổi và chứng kiến những tang thương, chết chóc của vùng Gia Định cũng như Dòng Họ mình dưới sự chinh phạt của Tây Sơn ở Đàng Trong, Nguyễn Ánh đã lựa chọn cầu cứu những quốc gia có thể giúp mình khôi phục Xứ Đàng Trong, trong đó có đạo quân tham vọng nhưng kém cỏi của Xiêm La. 

Trong mối quan hệ này giữa Nguyễn Ánh và Xiêm La, chúng ta cũng phải đặt nó bên cạnh mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Giám mục Adran, để có thể so sánh và nhận thấy rằng Nguyễn Ánh trên bước đường lưu vong đã cố gắng để khôi phục lại cơ nghiệp Xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn đã gian khổ xây dựng mà nay đang đổ nát. Nguyễn Ánh hiểu rõ những ý muốn cuối cùng trong thâm tâm của vua Xiêm cũng như Giám mục Adran và Nguyễn Ánh có những cách khác nhau để tận dụng những ý muốn cuối cùng đó của họ cho mục đích khôi phục Vương quốc Đàng Trong của mình. Khác với việc có thể khéo léo chế ngự những ước muốn chính đáng của Giám mục Adran về việc truyền giáo hòa hợp với truyền thống, đáng tiếc, khi Châu Văn Tiếp - người đủ sức chế ngự những tham vọng ngông cuồng của quân Xiêm, tử trận trong cuộc chiến với Tây Sơn lại là lúc Nguyễn Ánh chưa có được sự vững mạnh cần thiết để chế ngự quân Xiêm, đã phải bất lực nhìn chúng gây tội ác với nhân dân mình. Sự căm phẫn đó đã ghi lại trong Quốc Triều chính biên toát yếu bằng sự tôn trọng dành cho vị tướng Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ:
... quân Xiêm (từ sau khi thua trận Rạch Gầm - Xoài Mút) tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp.
Cuối cùng, trong mối quan hệ này, không phải biện minh hay bảo vệ, nhưng một ông vương đào tị và lưu vong từ năm 15 tuổi chưa bao giờ từ bỏ ý chí khôi phục vương quốc và cuối cùng là thống nhất Đại Việt, sẽ cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những gì thuộc về số phận của Ngài.

Trong chương kết thúc của quyển sách "Vua Gia Long", tác giả Marcel Gaultier có lẽ đã đưa ra những đánh giá, nhận xét công bằng không chỉ riêng cho di sản của Hoàng đế Gia Long mà còn cho cả "những âm mưu" và những "sự vận động bất khả kháng" trong thời đại mà nước Đại Việt được thống nhất sau hơn 300 năm nội chiến, chia cắt nhưng lại phải đương đầu với một làn sóng hay đúng hơn một cơn bão khổng lồ đã cuốn phăng cả "thiên triều" Trung Hoa và "chư hầu An Nam" xưa cũ với tên gọi: Văn minh Phương Tây.


Thế là chấm dứt, bằng sự quay trở lại với những truyền thống phong tỏa, cuộc phiêu lưu lạ lùng nhất và cũng ít được biết nhất trong những cuộc phiêu lưu viễn xứ, qua đó hai chủng tộc rất khác biệt nhau đã đến gần với nhau mà không hề hiểu được nhau.
[...]
Những người kế nghiệp vua Gia Long, trong cuộc kháng cự ngạo nghễ đối với mọi hoạt động quốc tế, tưởng rằng được an toàn trước những âm mưu của các cường quốc phương Tây nhờ vẻ ngoài hoa mỹ tráng lệ nhưng chao đảo của một tổ chức xưa cũ của họ. Họ không hiểu được rằng, sự bền vững của quyền lãnh đạo quốc gia trước hết đòi hỏi phải có sự hòa hợp của những nguyên tắc với sự vận động bất khả kháng của cuộc tiến hóa toàn cầu và chẳng bao lâu những thể thức lỗi thời trong đường lối ngoại giao của họ sẽ trở nên bất lực để giữ gìn ở An Nam bản sắc dân tộc và sự toàn vẹn bề mặt mà vì thế họ đã chiến đấu trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Kết lại quyển sách của mình, Marcel Gaultier đã dùng những từ ngữ có lẽ là phù hợp nhất để chỉ về cuộc kháng chiến của người Việt sau năm 1858 - "cuộc kháng cự ngạo nghễ" đầy oai hùng và bi tráng, trước yêu cầu tự do thương mại bằng "những âm mưu của các cường quốc phương Tây". Nhưng nước Việt lúc đó chỉ là "một tổ chức xưa cũ" với học thuyết Nho giáo đã đổ sập ở chính nơi khai sinh ra nó: Trung Hoa. Và kết lại bằng bài học "sự bền vững của quyền lãnh đạo quốc gia trước hết đòi hỏi phải có sự hòa hợp của những nguyên tắc với sự vận động bất khả kháng của cuộc tiến hóa toàn cầu". Nhưng đi xa hơn những kết luận từ năm 1936 của tác giả về việc "bất lực để giữ gìn ở An Nam bản sắc dân tộc và sự toàn vẹn bề mặt", thế hệ người Việt hôm nay đã hoàn thiện một nước Việt thống nhất. Sự thống nhất, độc lập, tự do của hôm nay đã được khởi đi từ thế kỷ XIX, vào năm 1802, khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng đế Gia Long để chứng minh cho chân lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam vĩ đại và anh hùng:
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
Ngược thời gian từ ngày 30/4/1975, Cha Ông chúng ta đã tạo nên những ngày Tổ quốc được Thống nhất và sứ mệnh đưa Tổ quốc Thống nhất vững mạnh, giàu có là sứ mệnh của chúng ta.

Để đặt mua sách "Vua Gia Long" của tác giả Marcel Gaultier bạn vui lòng click vào đây hoặc bấm vào mua sách "Vua Gia Long" - Marcel Gaultier.

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (364) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (98) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (75) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (50) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)