Đinh Lễ - Chiến tướng khai quốc triều Hậu Lê - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Đinh Lễ - Chiến tướng khai quốc triều Hậu Lê

Share This
lịch sử việt nam, history of vietnam, yêu sử việt, đinh lễ, lê thái tổ, khởi nghĩa lam sơn
YEUSUVIET.COM
- Tháng 5 năm 1407, Nhà Hồ thất bại trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nhà Minh với chiêu bài gian trá "Phù Trần diệt Hồ". Cuối năm, tháng 10, Trần Ngỗi là con cháu Nhà Trần nổi dậy, xưng đế hiệu Giản Định Đế, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến chống Nhà Minh. Đến năm 1414, sau thời gian chống trả kiên cường, Nhà Hậu Trần đại bại tại Sái Già, cuối cùng bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhà Minh ra sức đồng hóa, cướp bóc, chém giết người Việt nhằm tiêu diệt chúng ta. Vì vậy, mùa xuân năm 1418, giữa núi rừng Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Lợi cùng 17 Vị anh hùng tuyên đọc "Lời thề Lũng Nhai", quyết đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc. Trải qua gần 10 năm kháng chiến, đến năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi hoàn toàn giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Nhưng trong những ngày tháng huy hoàng đó, Đinh Lễ - vị chiến tướng có đại công tại trận Tốt Động - Chúc Động lại không thể được hưởng thành quả tự do mình đã chiến đấu cả cuộc đời!
Bài liên quan

Đinh Lễ không rõ năm sinh, là người huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Ông gọi Lê Thái Tổ Lê Lợi bằng cậu và là người cận vệ cho Thái Tổ từ những ngày đầu. Do có thể vì tuổi nhỏ, trong "Hội thề Lũng Nhai" năm 1418 không thấy có tên ông. Mặc dù vậy, từ năm 1418 cho đến năm 1427, ông là một chiến tướng gan dạ và dũng mãnh, là một tôi thần trung nghĩa và hết lòng sống chết vì chủ tướng, vì đại nghĩa. Ba lần nghĩa quân Lam Sơn phải rút lên núi Chí Linh, quân sĩ tan nát, quân Minh vây chặt khốn cùng, ông đều không lay chuyển ý chí, quyết sống chết tới cùng vì đại nghĩa Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn đã giành chiến thắng cuối cùng, đánh đuổi quân xâm lược Nhà Minh hung ác, tàn bạo, giành độc lập, tự do cho người nước Nam là vì nhờ có những chiến tướng gan dạ, kiên cường và trung thành với đại nghĩa như Đinh Lễ.

Trận đánh vang danh đầu tiên ông ghi tên mình vào Sử Việt là trận đánh tại Khả Lưu, Nghệ An vào năm 1424. Trong trận đánh đó, quân Lam Sơn chủ động tiến chiếm vùng đồng bằng Nghệ An rộng lớn theo "Kế hoạch Nguyễn Chích". Khi tiến đến Khả Lưu, giáp mặt với quân Minh, Đinh Lễ cùng Lê Sát chỉ huy sĩ tướng tiến đánh thẳng vào quân Minh khiến quân giặc túng thế rồi thua to. Đô ty Chu Kiệt và tướng tiên phòng Hoàng Thành bị chém, quân Minh vỡ trận, bỏ chạy về thành Nghệ An. Đinh Lễ cùng chư tướng đuổi sát, đến tận ba ngày thì tới thành. Trong tình cảnh đó, Trần Trí và Phương Chính chỉ biết rút vào thành Nghệ An cố thủ để chờ viện binh quân Minh kéo sang giải vây. "Kế hoạch Nguyễn Chích" được ghi lại chính thức trong Sử Việt bằng nhận định của tướng quân Nguyễn Chích của nghĩa quân Lam Sơn về việc đánh chiếm vùng đồng bằng Nghệ An, tạo bàn đạp hoàn hảo nhất để Bắc tiến thu phục kinh đô cũ Thăng Long. Và quả thật, bằng kế sách kinh điển đó, những chiến tướng như Đinh Lễ mới thật sự có cơ hội thể hiện hết tài năng quân sự của mình và nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh thu phục kinh đô cũ của nước Nam chỉ trong vòng gần 3 năm. Sau trận Khả Lưu năm 1424, Đinh Lễ được phong chức Tư không.

Thành Nghệ An bị vây nhưng vẫn trông chờ viện binh quân Minh kéo tới và chưa thật sự bị dồn vào thế hiểm nghèo. Năm 1425, Đô ty Trương Hùng của Nhà Minh vận chuyển 300 thuyền lương từ Đông Quan tới tiếp viện cho Nghệ An. Biết được tình hình đó, Đinh Lễ đặt phục binh ở ngoại thành, quyết chặt đứt trước hết là đường tiếp viện lương thực của quân giặc, dồn chúng vào thế đã nghèo còn nghèo hơn nữa. Khi quân Minh trong thành vui mừng mở cửa ra đón quân lương tiếp viện, quân phục binh của chiến tướng Đinh Lễ đổ ra đánh rát, quân địch hoảng loạn rồi nhanh chóng tan vỡ, thiên hộ Tưởng bị chém, quân Lam Sơn chiếm được toàn bộ thuyền lương rồi truy kích, đuổi quân giặc chạy dài đến tận thành Tây Đô (Thanh Hóa). Trong chiến trận, việc đánh chặn viện binh và quân tiếp tế lương thực là những trận chiến vô cùng quan trọng, vì với giặc việc vận lương và chuyển lính tiếp viện là bí mật tuyệt đối. Do đó, phá được đoàn thuyền lương của giặc Minh đã chứng tỏ được khả năng quân sự và tài cầm binh của vị tướng Lam Sơn Đinh Lễ. Mặc dầu vậy, Sử Việt mãi mãi ghi tên ông bằng chiến công trong một trận đánh khác - trận đánh được xem là bước ngoặt quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất trên bàn cơ quân Minh - Lam Sơn vào năm 1426. Đó là trận Tốt Động - Chúc Động diễn ra vào tháng 10 năm 1426.

Tháng 9 năm 1426, Phong Thành hầu Lý Bân chết, Nhà Minh giao cho Thành Sơn hầu Vương Thông sang Giao Chỉ (tức Đại Việt bị đổi tên vì chính sách đồng hóa của Nhà Minh) lãnh chức tổng binh. Đầu tháng 10, Vương Thông đã ở Giao Chỉ, kéo 5 vạn quân từ Trung Hoa sang hợp với 5 vạn quân đang có sẵn, tiến về vùng Nghệ An để tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn. Mở đầu cuộc chiến, các tướng Lam Sơn là Lý Triện, Đỗ Bí đặt phục binh đánh được quân Vương Thông tại vùng bờ cầu Tam La (Thanh Oai, Hà nội ngày nay). Nhưng sau đó, cánh quân do Lý Triện không tập kích được hậu doanh của Phương Chính vì giặc đã rút lui nên đành quay về. Tiếp theo, tại Cổ Sở, quân Lý Triện, Đỗ Bí tiến đánh Vương Thông thì mắc phải phục binh, quân voi vướng phải hầm chông, quân giặc đánh lại hăng nên phải thu quân rồi đốt hết doanh trại cũ của mình mà chỉ còn giữ các nơi hiểm yếu. Tình thế vô cùng bất lợi, cuộc Bắc tiến lần này mang ý nghĩa quyết định cho việc bẻ gãy ý chí của Vương Thông - kẻ vừa mới sang làm tổng binh, cũng như phải chứng minh được sức mạnh của quân Lam Sơn trước sức mạnh đồng hóa tàn bạo của quân Minh vẫn còn làm cho người dân trong nước run sợ.

Trong tình cảnh ngặt nghèo đó, Lý Triện đưa thư nhờ viện binh của Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Trương Chiến đang mai phục tinh binh tại Thanh Đàm theo kế hoạch, phải tiến binh tới gấp nhằm đối cự với Vương Thông. Như vậy, từ việc dùng kế hoạch nhử quân Minh vào trận địa mai phục đang do cánh quân của Đinh Lễ chờ sẵn, nhưng trước sức mạnh của cánh quân do Vương Thông chỉ huy, quân Lam Sơn phải thay đổi kế hoạch, tiến gần đến quân giặc hơn và phải đặt trận quyết tử gần với giặc hơn. Ngay trong đêm nhận được tin báo, Đinh Lễ và các tướng cùng 3 nghìn quân tinh nhuệ, 2 thớt voi tiến đến hội quân ở Cao Bộ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Hai cánh quân hội tụ, liền chia nhau giữ các nơi hiểm yếu, đồng thời, quân Lam Sơn bắt được thám tử của giặc, biết trước kế hoạch đánh úp và dùng pháo làm hiệu của Vương Thông. Vì vậy, tương kế tựu kế, Đinh Lễ cùng các tướng lên kế hoạch dùng chính kế của giặc để tiêu diệt chúng.

Khi quân Minh tiến vào khu vực doanh trại của quân Lam Sơn, nổ súng nhưng không thấy phản kháng, vì các tướng Đinh Lễ, Lý Triện đã hạ lệnh quân sĩ nằm im cho đến khi có hiệu lệnh tiến công. Quân Lam Sơn đốt pháo hiệu giả, khiến giặc Minh tưởng là thật, thấy không có động tĩnh gì, liền tiến quân theo kế hoạch nhưng thực chất là tiến vào vùng mai phục của quân Lam Sơn. Khi đã tiến đến gần sông Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay), thấy quân Minh đã rơi vào tầm phục kích, nghĩa quân Lam Sơn nhất tề xông ra đánh tại các vùng Tốt Động và Chúc Động (hai địa danh này cách nhau 6km). Quân Minh không kịp trở tay, Tham tán quân vụ Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng cùng 5 vạn quân Minh chết tại trận, nước sông Ninh Kiều thây chất đến nghẽn cả một đoạn sông. Vương Thông thất kinh, cùng Mã Kỳ chỉ thoát được thân rồi bỏ chạy về Đông Quan, còn Phương Chính thì theo đường bến Cổ Sở trốn về. Quân Lam Sơn đại thắng, trận đánh Tốt Động - Chúc Động chính thức ghi tên Đinh lễ cùng Lý Triện, Nguyễn Xí, Trương Chiến vào sử sách.

Như trên đã nói, chiến thắng Tốt Động - Chúc Động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt phá tan ý chí và kế hoạch phản công của Tổng binh vừa nhậm chức Vương Thông, mặt khác quan trọng hơn là thông qua chiến thắng này, người dân trong nước không còn sợ sự tàn ác và sức mạnh quân sự của giặc Minh nữa. Thay vào đó, nghĩa quân Lam Sơn từ núi rừng Thanh Hóa đã tiến đến bao vây thành Đông Quan - Thăng long của người nước Nam, chứng minh được sức mạnh quân sự của người nước Nam và chiến lược "lấy đại nghĩa thắng hung tàn" của nghĩa quân. Sau trận thắng Tốt Động - Chúc Động, người người quyết tâm đứng lên, theo về dưới lá cờ Lam Sơn như đi trẩy hội - một ngày hội non sông cùng mong chờ ngày Phục quốc.

Với riêng chiến tướng Đinh Lễ, bằng tài năng và sự gan dạ, kiên cường của mình, ông đã chính thức ghi danh mình vào hàng ngũ các danh tướng của Sử Việt và trở thành một trong những Khai quốc công thần của Nhà Hậu Lê. Tiếc rằng, cuộc đời có mấy ai là hoàn hảo, vì sự gan dạ và dũng mãnh của mình, Đinh Lễ nhiều khi khinh địch mà bất kỳ một vị tướng cầm quân nào, dù tài giỏi đến mấy thì đây vẫn là điểm yếu chí tử. Bình Định vương Lê Lợi biết điểm yếu này, nhiều lần can ngăn thậm chí trách mắng nhưng Đinh Lễ vẫn không thay đổi cách nghĩ. Thái Tổ bởi vậy nên đã từng thở dài mà nói với chư tướng rằng:
Trăm trận đánh được cả trăm trận không phải là tốt đâu, hắn cậy lanh giỏi quen mùi được luôn, thất bại có thể đứng trông thấy ngay.
Tháng 2 năm 1427, giặc Minh do Phương Chính cầm đầu đánh úp Lý Triện tại Từ Liêm, giết được ông mà trả món nợ tại Tốt Động - Chúc Động. Đến tháng 3, Vương Thông lại đánh Lam Sơn ở doanh trại Tây Phù Liệt, tướng Lê Nguyễn chỉ biết cố thủ rồi cầu viện binh. Đinh Lễ được lệnh cùng Nguyễn Xí mang 500 quân Thiết đột tiến đến hỗ trợ, tiến đánh quân Minh rất hăng đến tận My Động. Tuy nhiên, hậu quân Lam Sơn không theo kịp, voi của hai tướng sa lầy, bị quân giặc bắt sống . Đinh Lễ không chịu hàng, quân Minh thẳng tay giết ông, đó là ngày 9 tháng 3 năm 1427 - chỉ 8 tháng trước khi "Hội thề Đông Quan" diễn ra và giặc Ngô sẽ phải cúp đuôi về nước. Tướng Nguyễn Xí sau đó trốn được về doanh trại, cùng anh em Lam Sơn chiến đấu đến ngày khải hoàn. Đinh Lễ nằm lại nơi Đông đô, nơi kinh thành Thăng Long mà ông ngày đêm khao khát tiến vào để hoàn thành giấc mơ Phục quốc của thời trai trẻ...!

Đinh Lễ chết đi, trước đó là Lý Triện tử trận là những tổn thất của nghĩa quân Lam Sơn. Nhưng những tổn thất đó, dù rất đau xót với Bình Định vương nhưng cũng như là ngọn lửa tử thù tiếp tục được hun đúc cho ý chí phải sớm đánh đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi, phải quyết giành lại non sông trời Nam càng sớm càng tốt để người nước Nam không còn phải đổ máu vì giấc mộng xa xăm của người Hán - người Ngô. Năm 1428, sau khi lên ngôi Hoàng đế nước Nam, khôi phục danh xưng và quốc thống Đại Việt, Lê Thái Tổ cho lập Bảng khai quốc công thần, trong đó có tên ông cùng người em là Đinh Liệt. Ông được Thái tổ truy phong chức Nhập nội kiểm hiệu tư đồ và đến năm 1484, Hoàng đế Lê Thánh Tông gia phong ông làm Thái sư Bân quốc công, sau tấn phong Hiển khánh vương.

"Bắc thuộc lần thứ tư" là một cơn ác mộng đã thật sự diễn ra trong lịch sử Việt Nam chúng ta. Kể từ năm 938 khi Ngô Vương Quyền chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc trên sông Bạch Đằng, thì đến 469 năm sau, người Việt mới phải một lần nữa rơi vào tai họa đồng hóa của người Hán. Hai mươi năm đồng hóa và tận diệt của người Hán từ năm 1407 đến năm 1427 là 20 năm dân tộc Việt chúng ta như đã không còn thấy ngày tự do, ngày độc lập vì sự tàn ác khủng khiếp của giặc Ngô. Nhưng bởi vì vẫn còn những ý chí của Hào khí Đông A vẫn vang vọng trong dòng máu của những tử sĩ Nhà Hậu Trần và khát vọng, quyết tâm Phục quốc vẫn rừng rực, nghi ngút ở núi rừng Lam Sơn nên Tổ quốc, Dân tộc cũng đến được ngày Phục quốc. Trên hành trình Phục quốc gian khổ đó, những Anh hùng đội trời Nam, khiêng đất Nam như Lê Thái Tổ mà không có những chiến tướng như Đinh Lễ thì chắc hẳn đó vẫn là một hành trình gian nan, gian khó lắm. Không ai là toàn vẹn, hoàn hảo và chiến tướng Lam Sơn Đinh Lễ cũng thế. Nhưng cũng không ai thiếu khát khao, quyết tâm mong một ngày giang sơn trở lại vẻ huy hoàng của người Nam và Đinh Lễ - vị tướng quân tài ba của nghĩa quân Lam Sơn, chính là một trong những người đã khát khao, quyết tâm và gan góc thực hiện ý muốn của cuộc đời mình cho đến hơi thở cuối cùng.

Lê Thành An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (357) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (154) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (71) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (48) chong-phap (46) nha-hau-le (44) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (25) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) le-dai-hanh (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) khoi-nghia-lam-son (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) hung-vuong (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) le-thai-to (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) hùng vương (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)