Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM
 Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh.
Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh


YEUSUVIET - Từ Tha La, một nhóm giáo dân đến Tây Ninh khai phá và hình thành giáo xứ Tây Ninh. Đó là những giáo xứ lâu đời của vùng đất này. Năm 1954, Tây Ninh đón thêm nhiều giáo dân miền Bắc di cư và tạo thành hàng loạt giáo xứ gốc Bắc trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó là sự hình thành các giáo xứ dọc theo các khu công nghiệp gắn liền với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh.


1. Lịch sử hình thành

Công giáo phát triển ở vùng đất Tây Ninh khá sớm. Ngày 26/11/1744, Giáo hoàng Benedict XIV cử Giám mục Hilario Costa Hy, Giám mục Đông Đàng Ngoài, làm Khâm sứ Tòa Thánh kinh lý Đàng Trong, Cao Miên và Chiêm Thành. Sau 10 phiên họp, trong bản phúc trình 260 trang gửi về Bộ Truyền giáo tại Rome (Italy), linh mục thư ký Adrien Launay ghi lại: 
tại Lai-thiu (Lái Thiêu) năm 1747 có 400 giáo hữu dưới sự hoạt động của hai nhóm truyền giáo dòng Tên và dòng Phanxicô
Các tín hữu này chạy trốn việc cấm đạo ở miền Trung đã tới đây khai hoang, làm ăn sinh sống để an tâm giữ đạo. Tháng 7/1789, Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) dời chủng viện từ Chantaburi (Thái Lan) về Lái Thiêu với 40 chủng sinh do Linh mục Boisserand làm giám đốc. Vùng đất thuộc Giáo phận Phú Cường (Củ Chi, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh ngày nay) đã có nhiều họ đạo thuộc Giáo phận Đàng Trong, thậm chí có lúc còn được đặt làm thủ phủ của Công giáo Tây Đàng Trong khi Tòa Thánh bổ nhiệm Linh mục Bregnieres làm giám mục và vị tân chức đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu. Giám mục Bregnieres chọn đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu mà không phải là Gia Định là vì vùng đất này trước đây rất hiểm trở và lại gần biên giới, các linh mục, giáo dân ít bị bách hại hơn những nơi khác.

1.1. Từ họ đạo đầu tiên đến giáo hạt Tha La

Thời vua Minh Mạng cấm đạo, ông Côximô Nguyễn Hữu Trí (tự Liêm) là một giáo dân cùng vài gia đình đã từ Huế vào Nam để lánh nạn. Nhiều tài liệu viết sai về vị tạo lập xóm đạo Tha La này khi cho rằng ông là linh mục và ghi sai tên thánh của ông. Đầu tiên ông đến vùng Bà Trà (Tân Uyên, Thuận An của tỉnh Bình Dương nay), bị bắt vì theo Công giáo, sau đó nhân khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833-1835), ông trốn thoát và lên ở tại Suối Đá (huyện Dương Minh Châu ngày nay) gần núi Bà Đen và cuối cùng dừng chân tại Tha La năm 1837 khi đó còn là rừng cây hoang vu, nhiều bàu bưng sình lầy và cũng có vài gia đình Công giáo sống rải rác bên sông trên những chiếc thuyền để trốn tránh quân triều đình. 

Họ nhận ra là đồng đạo khi trước bữa ăn làm dấu Thánh giá. Điều này cũng được lặp lại trong lịch sử hình thành hàng loạt xứ đạo cổ kính ở miền Nam, như: Búng (Thuận An, Bình Dương), Bãi Xan (Càng Long, Trà Vinh), Mặc Bắc (Tiểu Cần, Trà Vinh), Chà Và (tên hiện nay: Vinh Kim, Cầu Ngang, Trà Vinh) hay Cái Nhum, Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), Cái Bông (Ba Tri, Bến Tre). Ông Trí liền quy tụ họ lại, tổ chức đọc kinh chung, địa điểm liên tục thay đổi để tránh bị phát hiện, khi thì ở xóm Lò Mo, lúc thì ở Trường Đà,… 

Sử liệu của họ đạo Tha La cho biết năm 1840, ông Trí cùng với ông Paul Nguyễn Văn Viên đã mời các linh mục đến Tha La làm lễ, giải tội, ủi an giáo hữu. Năm 1858, ông Trí và ông Viên bị quân triều đình tống giam nhưng vẫn can đảm giữ vững đức tin. Vì tuổi già sức yếu, năm 1860, ông Trí chết trong tù, còn ông Viên được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trả tự do năm 1861. Ông đã cải táng mộ phần ông Trí đưa về trước Đài Đức Mẹ trong sân nhà thờ Tha La ngày nay. Trên bia mộ ông Trí, giáo dân Tha La khắc những dòng chữ như sau:
Hãn nằm đây
Công đức cao dày, bia tạc nay:
Sáng tạo Tha La đã rõ mặt Quý quyền câu họ lãnh đầu tay Ghe phen tù rạc vì danh Chúa
Nhiều nỗi khổ hình bởi đạo ngay Tạ thế Canh Thân 1860,
Nơi khám thất
Anh em giáo hữu chớ quên Người.
Như vậy, ông Côximô Nguyễn Hữu Trí với chức Câu họ được họ đạo Tha La xem là người khai lập, hàng năm giỗ ông vào ngày 04/8 được đông đảo giáo dân nhớ ơn kính viếng.

Trở về Tha La, ông Viên là bậc trưởng thượng, đạo đức, có uy tín trong vùng và được giáo dân kính trọng nên ông được phong hàm Huyện, cai quản vùng Trảng Bàng. Giáo dân còn nhắc nhớ con cháu về ông Huyện Viên mỗi sáng sớm Chúa nhật vẫn đi bộ bốn cây số đến nhà thờ Tha La dự lễ. Vì những năm tháng tù đày kiên trung giữ đạo và không có con cái nên trong di chúc năm 1883, ông Huyện Viên đã dâng cúng tất cả sản nghiệp cho nhà thờ Tha La. Ngày 25/8/1889, ông qua đời trong vòng tay của Linh mục Frison Hoàng (theo phúc trình của Linh mục Laurent gửi về Hội Thừa sai Paris - MEP). Giám mục Colombert Mỹ (Giám mục Tây Đàng Trong) đã cho phép an táng ông trong nhà thờ Tha La, đây là một đặc ân dành cho những giáo dân có công lớn với họ đạo. Sau này khi xây dựng nhà thờ mới, ông được cải táng tại Đài Đức Mẹ cùng với ông Côximô Trí.

Như vậy, địa danh Tha La vốn là từ gốc Khmer sa la là một dạng kiến trúc có chức năng như một nhà nghỉ công cộng được xây dựng ở nhiều nơi như các chùa, cung điện, bên các con đường lớn được dùng để đặt tên xứ đạo đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Tây Ninh.

Mặc dù họ đạo Tha La được hình thành từ năm 1837, nhưng vẫn chưa có linh mục cai quản. Mãi đến năm 1860, Linh mục Besombes Hạnh là linh mục đầu tiên đến phục vụ tại Tha La, cất nhà thờ mái tranh vách lá. Số người theo đạo vẫn sống rải rác, chủ yếu là do lấy vợ bên đạo rồi dần dà theo đạo và phần lớn là con cái của các gia đình có đạo chứ vẫn chưa có người ngoài theo đạo. Năm 1862, người ngoại đạo ở Lộc Giang vì hiểu lầm và hiềm thù Linh mục Hạnh nên kéo đến Tha La đốt nhà thờ và nhà giáo dân, triệt hạ tháp chuông. Linh mục Hạnh được đổi đi và Linh mục Errard Y về thay, cất lại nhà thờ tạm với số tín hữu là 299 người. Năm 1883, xây mới nhà thờ và tháp chuông với 3 chuông đúc từ Pháp cùng hãng Bolee. Theo thống kê năm 1902, họ đạo Tha La có 1.527 giáo dân, lập thêm các họ nhánh: Rạch Gốc, Rạch Thiên, Bàu Công, Trảng Bàng, Bình Nguyên, Gò Dầu, v.v…

Ngày 14/10/1965, Giáo hoàng Paul VI ban Sắc chỉ In Animo Nostro gộp bốn tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Phước Thành, Bình Long và vùng Tây Bắc Sài Gòn lập thành Giáo phận Phú Cường và đặt Linh mục Joseph Phạm Văn Thiên, chính xứ nhà thờ Chính Tòa Đức Bà (người dựng tượng Đức Bà Hòa Bình trước nhà thờ năm 1959) và Giám đốc Đại Chủng viện Sài Gòn làm Giám mục đầu tiên. Giáo phận Phú Cường lúc mới thành lập có 51.488 giáo dân trên tổng số 715.000 dân (chiếm 7,2%) và được chia thành 6 giáo hạt: Phú Cường, Tha La, Tây Ninh, Lạc An, Bình Long, Phước Thành. Thống kê năm 2005, giáo hạt Tha La có 6.610 tín hữu trong 4 giáo xứ là Gò Dầu (810 giáo dân), Hiệp Thạnh (540), Tha La (4.664) và Trảng Bàng (339).

1.2. Giáo hạt Tây Ninh

Từ họ đạo Tha La đã hình thành nhiều họ đạo trong vùng Tây Ninh. Vì tình hình an ninh tại Tha La bất ổn, đỉnh điểm là năm 1862, khi nhà thờ Tha La bị đốt phá, đã có nhiều nhóm giáo dân lên đường tìm nơi ổn định để giữ đạo. 

Năm 1876, một nhóm giáo dân Tha La đến Tây Ninh khẩn hoang lập nghiệp, sau khi ổn định, họ mang gia đình đến định cư. Giáo xứ và sau này là Giáo hạt Tây Ninh ra đời từ đó. Linh mục chính xứ Tha La lúc bấy giờ là Simon Sĩ rất quan tâm đến những tín hữu gốc Tha La tại Tây Ninh nên ông mua một mảnh đất rộng để thành lập giáo xứ Tây Ninh. Hai năm sau (năm 1878), Linh mục Simon Sĩ được chuyển từ Tha La về Tây Ninh để lo cho số giáo dân gốc Tha La ở đây, dựng nhà thờ tạm bằng cây lá để có chỗ nguyện kinh. Năm 1881, thành lập giáo xứ Tây Ninh, Linh mục Laurent Bính về thay thế Linh mục Simon Sĩ và đứng ra vận động xây dựng ngôi thánh đường bằng gạch ngói trong thời gian từ 1881-1884. Đây là thánh đường bề thế nhất ở Tây Ninh thời bấy giờ.

Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh
Nhà thờ Tây Ninh năm 1924

Trên tháp chuông nhà thờ Tây Ninh treo hai quả chuông được đúc tại Pháp. Quả chuông lớn đúc năm 1883 do ông Huyện Viên tặng. Ông Huyện Viên tại Tha La là bậc trưởng thượng, đạo đức và giàu có. Theo sử liệu còn lưu lại, hễ nhà thờ nào trong vùng Tây Ninh được xây mới, ông đều xuất tiền tặng một quả chuông. Quả chuông thứ hai trên tháp nhà thờ Tây Ninh còn thấy rõ hàng chữ khắc:
Tây Ninh Hội, Paulus Triều et Anna Mĩ, 1888” (Họ đạo Tây Ninh, ông Paulus Triều và bà Anna Mĩ dâng cúng năm 1888).
Đến năm 1931, Linh mục Paul Đàng xây dựng ngôi thánh đường kiên cố như ngày nay, theo mẫu nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc Chợ Lớn do mối giao hảo với Linh mục John Baptist Huỳnh Tịnh Hướng, là người rất đa tài đã cùng với Paul Huỳnh Tịnh Của lập ra tờ báo Công giáo là Nam Kỳ địa phận. Mối quan hệ này giữa họ đạo Tây Ninh và họ đạo Chợ Lớn không những thể hiện qua hai vị linh mục chính xứ, biểu hiện ở kiểu kiến trúc thánh đường giống nhau, trợ giúp về nhân lực, vật lực và tài lực mà còn duy trì đến ngày nay qua bức tượng Thánh nữ Jeanne d’Arc cổ rất đẹp được Linh mục xứ Tây Ninh Philip Trần Tấn Binh đến thăm và trao tặng vào năm 2005, hiện đang đặt giữa cung thánh nhà thờ Ngã Sáu.
 
Năm 1965, Tây Ninh là một trong sáu giáo hạt của giáo phận Phú Cường mới được thành lập. Từ giáo xứ Tây Ninh đến giáo hạt Tây Ninh là cả một quá trình lâu dài với việc khẩn hoang của giáo dân thành lập các giáo xứ mới là Suối Ông Đình, Mỏ Công (sau này là giáo xứ Thánh Mẫu), Gò Dầu (vốn là một họ đạo nhỏ thuộc về Tha La). Giáo hạt Tây Ninh phát triển mạnh mẽ sau biến cố di cư 1954 vào Nam của giáo dân miền Bắc, tìm đến lập nghiệp, xây dựng nên các giáo xứ Cao Xá (gốc Thái Bình), Phong Cốc (gốc Bắc Ninh), Phú Ninh (gốc Phú Thọ, ghép tên Phú Thọ và vùng đất mới Tây Ninh), Kiên Long (gốc từ hai giáo xứ Kiên Chính và Thịnh Long thuộc Giáo phận Bùi Chu) vào năm 1955. 

Đến đầu thập niên 1970, đời sống giáo dân Việt kiều ở Campuchia gặp rất nhiều khó khăn, nên họ đã hồi hương, được sắp xếp cho định cư tại vùng Thanh Điền (nay thuộc huyện Châu Thành). Giám mục Joseph Phạm Văn Thiên đã cử Linh mục Thomas Nguyễn Toàn Quyền đang là phó xứ Tây Ninh về đây, lập nên giáo xứ Phước Điền. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, một loạt giáo xứ mới được thành lập do chính sách giãn dân, hình thành vùng kinh tế mới của nhà nước: Hảo Đước, Tân Nghĩa, Suối Đá, Suối Dây, Bến Trường, Hòa Thạnh, Tân Hội, Long Bình.

2. Hiện trạng Công giáo tỉnh Tây Ninh

Từ xứ đạo đầu tiên là Tha La hình thành năm 1837, đến khi thành lập giáo phận Phú Cường năm 1965, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hai giáo hạt là Tha La và Tây Ninh. Thống kê năm 2005 là năm kỉ niệm 40 năm thành lập Giáo phận Phú Cường, hạt Tha La có 6.610 giáo dân với 4 giáo xứ, hạt Tây Ninh có 25.860 giáo dân với 13 giáo xứ. Đến năm 2013, hạt Tha La được sáp nhập thành hạt Củ Chi với 24.000 giáo dân (Tòa Giám mục Phú Cường, Kỷ yếu Giáo phận Phú Cường 50 năm hành trình Đức Tin (1965-2015), Tlđd).

2.1. Giáo hạt Củ Chi (Tha La)

Hiện nay, giáo hạt Củ Chi có 12 giáo xứ, 1 giáo họ với 17 linh mục và 100 tu sĩ nam, nữ. Các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gồm có:
 

2.2. Giáo hạt Tây Ninh
Trải rộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (trừ Thị xã Trảng Bàng thuộc giáo hạt Củ Chi), giáo hạt Tây Ninh có diện tích 3.459km2, dân số trên 1 triệu người, 31.485 giáo dân:

3. Nét đặc trưng và những đóng góp của Công giáo ở tỉnh Tây Ninh

Khởi đầu từ những giáo dân miền Trung vào Nam khai hoang, tìm nơi yên ổn để giữ đạo lúc nhà Nguyễn cấm đạo, năm 1837 đánh dấu sự có mặt chính thức của Công giáo trên vùng đất Tây Ninh với việc ông Côximô Nguyễn Hữu Trí quy tụ những người có đạo tại Tha La. Thích ứng với hoàn cảnh mới, từng bước khai khẩn đất hoang và trung kiên sống đức tin, họ đã lập nên Tha La, là xứ đạo lớn nhất và lâu đời nhất tỉnh Tây Ninh. Có trên 20 linh mục xuất thân từ Tha La, trải qua 33 đời linh mục quản xứ, có đến ba vị linh mục chính xứ của Tha La được Tòa Thánh tấn phong Giám mục là Victor Charles Quinton Tôn (chính xứ Tha La 1909-1912, tấn phong làm Giám mục Sài Gòn khi đang coi sóc Tha La), James Huỳnh Văn Của (chính xứ Tha La 1964-1965, Giám mục phó Giáo phận Phú Cường từ năm 1976 đến năm 1982, qua đời năm 1995 tại Pháp) và Joseph Nguyễn Tấn Tước (chính xứ Tha La trong thời gian 1995-2000, hiện là Giám mục Giáo phận Phú Cường). 

Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh
Bên trong Nhà thờ giáo xứ Tây Ninh

Đây là điều hiếm hoi vì không phải xứ đạo kì cựu nào cũng có được vinh dự này. Với giáo xứ Tây Ninh, sau hơn 130 năm hình thành và phát triển, có nhiều linh mục cai quản nổi danh như Paul Đoàn Quang Đạt (sinh năm 1877 tại Lái Thiêu, gốc Huế) đã sáng tác bài thánh ca Nửa đêm mừng Chúa ra đời năm 1911 là năm ông được thụ phong linh mục. Đây là một trong những bài thánh ca Việt Nam đầu tiên cũng như của nền tân nhạc Việt Nam. Một vị khác từng coi sóc giáo xứ Tây Ninh là Francis Xavier Trần Thanh Khâm năm 1965 được tấn phong làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Bài thánh ca Nửa đêm mừng Chúa ra đời năm 1911 của Linh mục Paul Đoàn Quang Đạt.

Về mặt văn hóa - lịch sử, điểm nổi bật của Tha La là vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân từ lúc thành lập: ngay cổng nhà thờ, vẫn còn bảng tên “Họ đạo Tha La”, cho thấy đây là xứ đạo lâu đời và tuyệt đại đa số giáo dân là người miền Nam, ý nghĩa của từ “Họ đạo” là giáo hữu ở đây sống trong một họ, một đại gia đình.

Nhắc đến Tha La, người ta không thể không nhắc đến bài thơ Tha La xóm đạo. Năm 1949, nhà văn Thẩm Thệ Hà đưa người bạn thân là nhà thơ Vũ Anh Khanh về thăm Trảng Bàng. Trước cảnh điêu tàn của thời chiến, bài thơ Tha La xóm đạo được sáng tác và nổi tiếng cả miền Nam, sau này được các nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ nhạc. Ngoài ra, soạn giả cải lương Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng của Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo”.
Đây Tha La xóm đạo, Có trái ngọt, cây lành Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh. Ngậm ngùi Tha La bảo:
Đây rừng xanh, rừng xanh, Bụi đùn quanh ngõ vắng Khói đùn quanh nóc tranh, Gió đùn quanh mây trắng Và lửa loạn xây thành …
Một truyền thống văn hóa - tôn giáo rất đặc biệt khác của Tha La là Đêm Canh thức nơi Đất Thánh (nghĩa trang) của Họ đạo Tha La từ sau lễ tối Các thánh Nam, Nữ ngày 01 tháng 11 cho đến rạng sáng ngày 02 tháng 11. Người sống thắp nến cầu cho kẻ chết, kết thúc bằng một thánh lễ đồng tế vào lúc 4 giờ 30 sáng, để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, họ hàng tộc hệ và các đẳng linh hồn. Không dừng lại ở việc thắp nến cầu nguyện cho người thân, giáo dân Tha La còn nhắc nhớ, thắp nến trên những ngôi mộ “mồ côi” với tấm lòng bác ái. Nghi thức cầu nguyện sinh động này biểu hiện tinh thần thông công, kết hợp giữa thế giới hữu hình và vô hình, một sắc thái truyền thống Công giáo đồng hành với văn hóa tín ngưỡng tôn kính tổ tiên, trong chiều hướng cõi lòng người Công giáo Việt Nam mở rộng trên tinh thần hiệp thông với Thiên Chúa, với tổ tiên và đồng bào.

Về hoạt động xã hội, các giáo xứ trên địa bàn Tây Ninh luôn nêu cao tinh thần bác ái Kitô giáo. Có thể kể ra như việc xây dựng trường học tại Tha La để học sinh không phải đi học tận Trảng Bàng ngay từ những ngày mới hình thành Họ đạo; xây dựng nhà máy nước tinh khiết cung cấp cho người dân vùng An Hòa - Trảng Bàng năm 2005; lập quỹ tương thân tương ái tại hầu hết các giáo xứ, viện dưỡng lão cho người già neo đơn tại giáo xứ Cao Xá; thành lập trường mầm non của các nữ tu, Hội Chữ thập đỏ, lớp học tình thương tại các giáo xứ,…
Một số nhận xét

Tây Ninh là vùng đất đa dân tộc và tôn giáo với những sắc thái riêng biệt của miền biên giới. Công giáo đã có mặt ở tỉnh Tây Ninh từ khá sớm, ban đầu chỉ là những nhóm gia đình giáo dân vì để được an toàn sống đạo đã xuôi ghe từ miền Trung vào đây. Mốc đánh dấu chính thức sự hình thành Công giáo ở Tây Ninh là năm 1837 với việc ông Côximô Nguyễn Hữu Trí quy tụ giáo dân lại để hình thành Tha La xóm đạo. Ngày nay, ông Trí được xem là vị Tổ của Công giáo ở Tha La nói riêng và Tây Ninh nói chung. Tha La là giáo xứ lâu đời nhất và từ đây hình thành nên nhiều giáo xứ khác trong tỉnh: giáo xứ Tây Ninh (1881) do một nhóm giáo dân Tha La đi khai phá, giáo xứ Hiệp Thạnh (1946), Gò Dầu (1958), Bình Nguyên (1960), Trảng Bàng (1961).

Các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay có thể được chia thành 3 nhóm. 

Nhóm thứ nhất bao gồm 6 giáo xứ: Tha La, Tây Ninh, Hiệp Thạnh, Gò Dầu, Bình Nguyên và Trảng Bàng. Đây là nhóm được hình thành đầu tiên, phát xuất từ Tha La, do những di dân Công giáo từ miền Trung vào khai phá, họ giữ truyền thống xa xưa: cách hát lễ, đọc kinh, cung giọng và sinh hoạt, tế lễ kiểu miền Nam, cách gọi Họ đạo theo thói quen mà không dùng từ giáo xứ, mặc dù trên văn bản đều thống nhất tên gọi giáo xứ, giáo dân tuyệt đại đa số là người miền Nam và vì thế các linh mục cai quản cũng đa phần người Nam để dễ dàng am tường truyền thống và sinh hoạt của họ.
Lịch sử Công giáo ở Tây Ninh
Nhà thờ giáo xứ Cao Xá năm 2020
Nhóm thứ hai được hình thành sau biến cố di cư năm 1954 của giáo dân miền Bắc vào Tây Ninh với hàng loạt giáo xứ mới khiến cho Công giáo nơi đây phát triển mạnh mẽ: giáo xứ Cao Xá (gốc Thái Bình), Phong Cốc (gốc Bắc Ninh), Phú Ninh (gốc Phú Thọ), Kiên Long. Ngay chính tên gọi giáo xứ cũng phản ánh nguồn gốc và truyền thống sinh hoạt trong vùng, gánh theo trọn vẹn cả tên giáo xứ cũ ngoài Bắc như Cao Xá, Phong Cốc; hay ghép tên gốc Bắc với vùng đất mới định cư như Phú Ninh. Các giáo xứ này vẫn giữ được truyền thống sinh hoạt mang theo từ miền Bắc, tuyệt đại đa số giáo dân và các linh mục coi sóc cũng gốc Bắc với những nghi thức dâng hoa, nguyện ngắm, ca vãn, kinh sách… từ miền Bắc. Hiện nay, đây là nhóm giáo xứ vẫn phát triển mạnh, bằng chứng là liên tục tách ra thêm nhiều giáo xứ mới từ nhóm này: từ giáo xứ Cao Xá, năm 2004 tách ra lập thêm hai giáo xứ mới là Thánh Tuân và Vinh Sơn (hiện nay đây là nhà thờ bề thế và hiện đại nhất tỉnh Tây Ninh).

Nhóm thứ ba được hình thành từ những biến động của thời cuộc: Việt kiều Campuchia hồi hương sau cuộc đảo chính của Lol Nol năm 1970, hình thành các vùng kinh tế mới, các khu công nghiệp thu hút người lao động từ khắp mọi miền đất nước, trong số đó có không ít người Công giáo. Đây là những giáo xứ có tuổi đời khá non trẻ, nhưng thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều nhà thờ được xây dựng mới khang trang, tháp chuông vút cao giữa lòng khu dân cư mới; số tín hữu không ngừng gia tăng; nhiều giáo họ, giáo điểm truyền giáo được phép dâng thánh lễ; có linh mục hiện diện và hoàn thiện các mặt để trở thành giáo xứ mới.

Đến thời điểm năm 2020, với gần 40.000 giáo dân (chưa kể di dân Công giáo) trong 25 giáo xứ của hai giáo hạt Tây Ninh và Củ Chi (hạt Tha La cũ), Công giáo ở Tây Ninh tiếp tục phát triển và gắn liền với đời sống cư dân nơi đây, đồng hành với dân tộc qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung theo tinh thần “tốt đạo, đẹp đời”. /.




YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (360) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (157) su-viet-hom-nay (95) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (84) sach-lich-su (73) su-kien-su-viet (71) facebook (53) sach-su-hien-dai (50) chong-phap (46) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (26) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) cong-giao (4) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) ho-chi-minh (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)